Học bổng chính phủ – Những điều bạn cần biết (phần 1)

Trần Ngọc Thịnh

LTS: Tôi viết bài viết này để chia sẻ kinh nghiệm của mình qua những lần tìm hiểu và nộp hồ sơ các học bổng chính phủ. Nguồn cảm hứng cho bài viết này xuất phát từ một số lượng các bạn quan tâm tới chủ đề này khi tôi chia sẻ dự định viết bài này trên facebook cá nhân và những email, những câu hỏi của các bạn trẻ quan tâm tới cơ hội du học gửi tới tôi thông qua trang blog về học bổng Fulbright (www.fulbrightvietnam.tk). Có rất nhiều bạn trẻ cũng có khao khát được đi du học giống như tôi ngày xưa, do vậy tôi quyết định viết một bài để cố gắng trả lời những câu hỏi phổ biến nhất mà tôi thường nhận được. Thêm nữa, bài viết này cũng chia sẻ những thông tin cần thiết để các bạn nhanh chóng tìm được thông tin về học bổng chính phủ để du học, giúp các bạn trả lời những câu hỏi quan trọng là: cần phải chuẩn bị giấy tờ gì? Viết bài luận thế nào? Điểm phẩy có quan trọng không? Vv…vv. Với một niềm tin lớn lao rằng chia sẻ kinh nghiệm cũng là một cách giúp đỡ người khác một cách đơn giản và trong khả năng của mình, tôi rất hy vọng rằng bài viết này giúp ích được cho các bạn đang quan tâm tới các học bổng chính phủ.

I. Học bổng chính phủ là gì? Và nó khác gì so với học bổng khác?

Ngay như tên gọi của học bổng đã gợi ý, học bổng chính phủ là những học bổng được tài trợ bởi ngân sách của các chính phủ nhằm hỗ trợ các bạn đáp ứng được điều kiện của học bổng để nhận được tài trợ đi du học.

Học bổng chính phủ bao gồm 2 loại:

Học bổng chính phủ sở tại là học bổng do chính phủ nước sở tại cung cấp cho công dân nước mình. Ở Việt Nam, học bổng chính phủ bao gồm học bổng 322, học bổng 911 (quản lý bởi Cục Đào Tạo Nước ngoài, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo), học bổng 165 (Ban Tổ chức TƯ Đảng). Các học bổng này thường được cấp cho các cán bộ Nhà nước, giảng viên đại học công lập và gần đây mở rộng cho cả sinh viên sang các nước tư bản theo học.

Học bổng chính phủ nước ngoài là học bổng do các chính phủ nước ngoài cung cấp cho Việt Nam thông qua hợp tác song phương. Ở Việt nam, nổi tiếng nhất là học bổng Fulbright (của Chính phủ Hoa Kỳ), học bổng Chevening (của Anh), BTC (của Bỉ), Eramus Mundus ( của Liên minh Châu Âu), ADS, Endeavour, ALA (của Úc)…vv Các học bổng này thường được quản lý bởi các Đại Sứ Quán các nước tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy ngay là học bổng chính phủ thì xuất phát từ ngân sách chính phủ, trong khi đó học bổng của trường hay của các tổ chức khác thì có nguồn gốc từ tài trợ của các cá nhân giàu có, hay quỹ học bổng của trường, hay các tổ chức từ thiện, phi chính phủ…vv Một trong những đặc tính quan trọng nhất của học bổng chính phủ là sự giới hạn về địa lý đối với ứng viên dự tuyển, điều đó có nghĩa là học bổng chính phủ chỉ áp dụng cho một nhóm đối tượng ở một khu vực địa lý nhất định. Ví dụ học bổng Fulbright dành cho Việt nam thì chỉ công dân Việt nam mới được nộp hồ sơ. Điều này quan trọng bởi như vậy nếu so với học bổng của các trường đại học thì tính cạnh tranh của nó sẽ không cao bằng. Ví dụ, nếu bạn nộp hồ sơ vào Harvard chẳng hạn, thì hồ sơ của bạn phải cạnh tranh với hàng vạn hồ sơ khác từ các nước khác nhau, trong khi đó nếu bạn nộp hồ sơ theo học bổng Chính phủ thì bạn sẽ chỉ phải cạnh tranh với các cá nhân ở Việt Nam mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là học bổng chính phủ không cạnh tranh, bởi thực tế với số lượng có hạn thì học bổng chính phủ danh giá có sự canh tranh cũng rất cao.

Một sự khác biệt rất quan trọng nữa của học bổng chính phủ là những ràng buộc kèm theo, mà phổ biến nhất là điều kiện “học xong phải quay về nước”. Trên thực tế, nhiều bạn theo học bổng chính phủ Việt Nam như 322, 165 đã trốn ở lại không về. Còn với học bổng chính phủ nước ngoài do quy định visa ngặt nghèo hơn nên khó trốn ở lại. Điều này rất quan trọng để bạn cân nhân có nên nộp hồ sơ cho học bổng chính phủ không, bởi lẽ nếu ngành học của bạn cho bạn 1 cơ hội việc làm tại nước bạn theo học và bạn cũng mong muốn ở lại phát triển sự nghiệp ở đó thì việc lựa chọn học bổng chính phủ không phải là lựa chọn phù hợp với bạn.

Eiffel Scholarship - Học bổng của chính phủ Pháp
Eiffel Scholarship – Học bổng của chính phủ Pháp

II. Đối tượng của học bổng chính phủ?

Có rất nhiều bạn hỏi tôi là “Anh ơi, có phải học bổng XYZ chỉ dành cho người làm nhà nước không anh?”. Phần này của bài viết tôi cố gắng trả lời các câu hỏi về đối tượng của học bổng chính phủ. Với mỗi học bổng, họ đều có quy định rất rõ về đối tượng được nộp hồ sơ. Đối với các học bổng của chính phủ Việt Nam thì các quy định đối tượng “tuy zậy mà không phải zậy” có nghĩa là như mình biết cho dù là quy định phải là “làm nhà nước”, phải là “giảng viên đại học công lập” nhưng có nhiều bạn chẳng dậy đại học ngày nào, hoặc mới vào nhà nước đã được học bổng vì thành phần COCC hoặc quen biết. Còn đúng ra, các đối tượng chính của học bổng chính phủ Việt nam là công chức, viên chức Nhà nước, giảng viên đại học. Điều này cũng lưu ý với các bạn trẻ là nếu bạn muốn có học bổng để thỏa mãn ước mơ du học của mình thì việc lựa chọn làm giảng viên đại học ở một trường công lập là một bước đầu tư chiến lược để hiện thực hóa ước mơ của mình. Đó là chấp nhận mức lương thấp khoảng 2-3 triệu VNĐ/tháng để dành học bổng 1000-2000USD/ tháng sau này. Cái này gọi là chiến lược “thả con săn sắt, bắt con cá rô” :D

Còn với các học bổng của chính phủ nước ngoài, thì đối tượng quy định khá rõ ràng và không có chuyện “nhí nhố” như học bổng của Việt Nam. Thông thường thì các học bổng nước ngoài không giới hạn đối tượng mà họ còn khuyến khích các đối tượng vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật…vv. Có học bổng thì ưu tiên cho khối Nhà nước như học bổng ADS của chính phủ Úc, có học bổng thì lại không ưu tiên đối tượng nào cả mà áp dụng như nhau cho dù ứng viên làm ở lĩnh vực nào, ngành nào, nhóm nào. Bản thân tôi nghĩ, cách làm này minh bạch và công bằng hơn, không tạo ra phân biệt đối xử.

Nếu bạn có một ước mơ cháy bỏng là đi du học mà điều kiện tài chính của gia đình bạn không có khả năng chi trả cho chi phí ăn học của bạn thì học bổng chính phủ là một lựa chọn phù hợp giúp bạn thực hiện ước mơ du học của mình.

III. Yêu cầu ứng tuyển có khó không?

Trong mắt nhiều người, học bổng chính phủ nghe chừng có vẻ phức tạp, và khó khăn, nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Các học bổng chính phủ nước ngoài đều có quy định khá rõ về yêu cầu mà ứng viên phải đáp ứng khi nộp hồ sơ. Mỗi học bổng đều có những quy định khác nhau, nhưng tựu chung lại thì có mấy yêu cầu sau:

Bảng điểm: Một số học bổng yêu cầu phải có điểm tổng kết ở một mức nhất định, chỉ khi cao hơn mức đó bạn mới được nộp hồ sơ. Qua tìm hiểu, thì mình thấy rằng điểm tổng kết yêu cầu đa phần là phải cao hơn 7.0. Do vậy, nếu bạn có dự định xin học bổng Chính phủ, hãy đầu tư cho việc học tập của bạn ngay từ bây giờ đừng để kết quả quá bê bết là ok.

Bằng đại học: đối với các học bổng yêu cầu đã tốt nghiệp đại học

Giấy chứng nhận công việc: nếu cần chứng minh bạn làm cho khối Nhà nước

Số năm kinh nghiệm đi làm: rất nhiều bạn hỏi cái này, như Fulbright thì tính số năm đi làm từ ngày trên bằng tốt nghiệp, chứ không phải là ngày bạn bắt đầu đi làm part-time. Do vậy các bạn phải kiểm tra kỹ càng xem mình có đủ điều kiện chưa? Nhiều bạn hỏi, có cần phải làm cùng 1 chỗ không hay nhảy việc có được tính không? Câu trả lời là bạn làm toàn thời gian là được, không nhất thiết phải làm 1 nơi.

Điểm tiếng anh: Hầu hết các học bổng đòi hỏi điểm tiếng anh đầu vào cho ứng viên. Bây giờ do IELTS và TOEFL đều được công nhận toàn cầu do vậy thi cái nào mà bạn cảm thấy mình thành thạo và tự tin nhất thì thi. Điểm số tối thiểu với TOEFL iBT phải là 70/120 và 6.0/9.0 cho IELTS. Đây không phải là con số chính xác, mỗi học bổng có mức khác nhau, nhưng mình đưa ra con số này để các bạn làm mục tiêu mà phấn đấu trên mức này mới có cơ hội. Tiếng Anh luôn là một rào cản lớn cho các bạn khi nghĩ tới học bổng. Mình biết nhiều bạn giỏi chuyên môn, nhưng mà tiếng anh hơi í ẹ nên không dám nộp hồ sơ học bổng. Do vậy, lời khuyên của mình là nếu bạn có ước mơ du học, hãy đầu tư học tiếng anh sớm nhất có thể. Hãy tạo ra cho mình một suy nghĩ thế này “Nếu bạn là một công dân trong một thế giới toàn cầu hóa, việc không biết tiếng anh có thể coi như là bạn đang mù chữ vậy”. Từ đó mà có động lực học tiếng anh.

 

Nhiều bạn hỏi học thế nào tốt? Câu hỏi này rất khó trả lời, nó phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Bản thân mình nghĩ rằng, học tiếng anh cần sự siêng năng, cần cù, chứ không yêu cầu bạn phải thông minh, lanh lợi. Học tiếng anh hiệu quả không đồng nghĩa với việc bạn phải đến các trung tâm tiếng anh như IDP, British Council hay EQuest và nướng cả đống tiền vào đấy, mình biết có nhiều bạn tự học mà kết quả cũng rất cao. Môi trường là cái rất quan trọng, nếu bạn làm ở tổ chức nước ngoài, hay bạn thường xuyên dùng tiếng Anh hàng ngày, thường xem các kênh tiếng anh như BBC, CNN thì khả năng tiếng anh của bạn sẽ tăng lên mà nhiều khi bạn không nhận ra.

… Phần 2 : https://scholarshipplanet.info/vi/hoc-bong-chinh-phu-nhung-dieu-ban-can-biet-phan-2/

Hà Nội, ngày 5/6/2013

Trần Ngọc Thịnh

Facebook fanpage: http://www.facebook.com/tranngocthinh287