IV. Cần chuẩn bị những gì cho bộ hồ sơ?
Như vậy, sau khi đáp ứng những điều kiện ứng tuyển kể trên, bạn cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ để nộp theo yêu cầu của từng học bổng. Dưới đây mình sẽ tổng hợp những yêu cầu phổ biến nhất của một bộ hồ sơ:
Form học bổng: Mỗi học bổng đều có một cái form để bạn khai thông tin. Có học bổng thì yêu cầu bạn khai trên file Word, có học bổng yêu cầu bạn phải điền trên form trên web, có học bổng yêu cầu cả hai cách. Do vậy, các bạn cần làm theo hướng dẫn điền form mà hầu hết các học bổng đều cung cấp cho các ứng viên quan tâm. Form này thường khá đơn giản, bạn cần khai thông tin cá nhân, học vấn, và các thông tin khác. Cái này đơn giản như đan rổ :D
Sơ yếu lý lịch (Curriculum Vitae): cái này thì mình nghĩ là bạn nào nộp hồ sơ học bổng chính phủ cũng biết làm rồi, nên mình không trình bày dài dòng ở đây. Chỉ lưu ý là bạn nên viết sao ngắn gọn làm nổi bật quá trình công việc và thành tích học tập xã hội của bạn nên. Họ không quan tâm bố mẹ bạn là ai, tên gì, trước cách mạng tháng 8 làm gì ở đâu đâu nên đừng học cái mẫu stupid mà người ta hay bán ngoài chợ mà làm sơ yếu lý lịch nhé.
Thư giới thiệu: Cái này có nhiều câu hỏi của các bạn gửi cho mình.
Xin thư giới thiệu của ai bây giờ? là câu hỏi phổ biến nhất. Liệu có nên xin thư giới thiệu của Bác Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng nếu mình quen 2 bác không nhỉ? Liệu xin thư giới thiệu cô giáo trường làng, hoặc cá nhân chả nổi tiếng gì cả thì liệu có đậu không? Câu trả lời của mình là: việc xin thư giới thiệu là nhằm mục đích cho ban tuyển chọn hiểu rõ hơn về bạn, do vậy người viết thư giới thiệu quan trọng nhất phải là người gần gũi và hiểu bạn nhất. Họ phải là người có thể làm nổi bật những điểm mạnh của bạn và chứng minh cho ban tuyển chọn thấy bạn là người xứng đáng được trao học bổng. Do vậy, cho dù người giới thiệu của bạn không phải là người quyền cao chức trọng, hay nổi tiếng điều đó không có nghĩa là bạn có ít cơ hội được học bổng hơn người có đồng chí X viết thư giới thiệu. Như trường hợp của mình, mấy người viết thư giới thiệu cho mình toàn là những người không làm quan to hay nổi tiếng gì, họ chỉ làm việc cùng mình thôi.
Vậy nên xin thư giới thiệu của ai? Lời khuyên của mình là nếu bạn phải xin 3 thư thì cân nhắc 3 đối tượng sau: (1) giảng viên đại học của bạn, có thể là trưởng khoa nếu người đó có trực tiếp dạy bạn, còn không thì họ không hiểu bạn lắm mà viết, (2) đồng nghiệp hoặc sếp ở cơ quan, trường hợp này bạn có thể xin sếp lớn nhất cho nó an tâm khâu “hoành tráng”. (3) một người bạn hay quen biết ngoài xã hội có tiếng tăm một chút thì tốt. Ví dụ, bạn nộp hồ sơ ngành lịch sử mà xin được cái thư của Ông Dương Trung Quốc thì tốt rồi. Tuy nhiên, nếu bạn nộp ngành thời trang mà xin thư giới thiệu của người mẫu Ngọc Trinh thì coi chừng kết quả không như mong đợi nhé =)) Còn nếu bạn là COCC và cần mấy dòng của đồng chí X, đồng chí Y để được học bổng 322 thì nhất bạn rồi, mình không có gì để tư vấn mà không khéo cần bạn chia sẻ kinh nghiệm thêm :)
Ai viết thư giới thiệu đây? Nhiều bạn hỏi mình là liệu mình để người viết thư giới thiệu tự viết hay mình viết cho họ ký thôi. Cái này thì mình trả lời như sau, tốt nhất là bạn nên trao đổi với người đồng ý viết thư giới thiệu cho mình xem họ thích thế nào, nhưng mà theo mình thì tốt nhất bạn nên dự thảo trước và đưa cho họ xem, sửa và ký. Vì sao lại như thế? Theo mình bạn tự viết thì bạn sẽ “vận dụng hết nội công” để đánh bóng mình hơn. Hơn nữa, có nhiều chuyện thâm cung, bí sử mà người viết thư giới thiệu không biết được rõ như bản thân bạn biết về bạn, do vậy bạn viết mới nói hết được. Ví dụ, ngày cấp 3 bạn được huy chương vàng môn toán, thì ông sếp hiện tại của bạn có thể không biết. Một lý do nữa là nhiều bác to to nhà nước chả biết tiếng anh mà thư yêu cầu phải viết tiếng Anh do vậy bạn để các bác ấy tự viết thì hành động đó giống như bác Nguyễn Minh Triết nhận xét việc bỏ điều 4 Hiến Pháp là “khác gì tự sát” =))
Bài luận về bản thân (Personal Statement): Nhiều bạn hỏi về các này. Viết cái quái gì ở cái này bây giờ? Chả lẽ kể chuyện hồi bé chăn trâu cắt cỏ ở bờ đê, hay trốn đi tắm nhộng ở bờ sông bị con bồ hồi tiểu học bắt gặp =)) Thực ra, theo mình cách tiếp cận dễ nhất với bài luận về bản thân là giống như bạn kể một câu chuyện về bản thân mình theo trình tự thời gian, mà bạn giống như một nhân vật chính của cuốn truyện đó, các tình tiết xảy ra trong cốt truyện, các nhân vật phụ giúp bạn nổi bật nên. Ví dụ cụ thể cho dễ hiểu nhé. Ví dụ bạn nộp hồ sơ ngành Y chẳng hạn, bạn có thể kết cấu câu truyện như sau:
“Đam mê dành cho y học của tôi bắt nguồn từ khi tôi còn rất nhỏ. Đó là những kỷ niệm tuổi thơ vô cùng hấp dẫn với những đứa trẻ ở tuổi tôi thời đó. Với những đứa trẻ cùng khu tập thể, chúng tôi thường chơi trò đóng giả nhân vật, và tôi thì luôn đóng vai bác sỹ. Tình yêu dành cho y học của tôi lớn dần theo những năm tháng học phổ thông, với hình tượng mà tôi luôn hâm mộ là mẹ tôi – một bác sỹ quân y tận tụi. Những lần đến thăm bệnh viện, ngắm nhìn mẹ tôi làm việc, chăm sóc những bệnh nhân, tôi thấy những hạnh phúc trong ánh mắt của mẹ. Ngày tôi tốt nghiệp phổ thông, tôi đăng ký thi vào trường đại học Y hà nội và đậu thủ khoa năm đó. Trong quá trình học, một sự kiện xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn tới tôi khi lựa chọn ngành học. Đó là sự ra đi của bác sỹ chuyên ngành tim nổi tiếng Việt Nam là Tôn Thất Bách. Đám tang của ông rất nhiều người đến tặng hoa, họ kết vòng hoa thành hình trái tim. Lúc đó tôi tự hỏi, nếu như mình làm bác sỹ khoa Sản thì khi mình chết họ tặng mình vòng hoa hình …. à? Cái ý nghĩ đó khiến tôi quyết định không chọn ngành sản khoa nữa mà chọn theo học bác sỹ chuyên khoa mắt” do vậy tôi quyết định học thạc sỹ chuyên khoa mắt…bla bla
Viết đến đoạn này, tôi phải dừng gõ một lúc để cười cho sảng khoái mà lấy cảm hứng viết tiếp. Các bạn lưu ý là đoạn trên là hoàn toàn do tôi hư cấu ra, khúc cuối là tôi cố tình viết thế để mang lại sự hài hước, các bạn theo ngành Y chớ có bắt chiếc đó. Hy vọng là qua ví dụ trên bạn sẽ hình dung ra, viết personal statement là viết cái gì, viết như thế nào. Bạn phải nhớ một cụm từ rất quan trọng khi viết bài luận về bản thân là “kể chuyện”. Hãy hình dung, ban chấm học bổng là những đứa trẻ bướng bỉnh, không chịu ăn, bạn phải kể một câu chuyện về bản thân mình để làm sao hấp dẫn “những đứa trẻ” kia để khi họ đọc, họ phải tò mò cái nhân vật trong chuyện là ai và muốn được gặp bạn để phỏng vấn. Nhiều bạn bảo, em làm thì tốt nhưng kể chuyện dở ẹc, vậy em nên làm thế nào? Mình nghĩ là để kể chuyện giỏi bạn nên đọc nhiều truyện, xem phim và xem kịch để nắm được sự phát triển của cốt truyện và tự hỏi tại sao cái truyện, bộ phim của bạn xem lại hấp dẫn đến thế. Khi bạn có câu trả lời là khi đó bạn sẽ viết được một “tác phẩm” của riêng bạn về chính bạn.
Study Objective (Mục tiêu học tập): Cái tên đã thể hiện nội dung của bài luận này. Mục đích chính của bài luận này là nói đến mục tiêu học tập của bạn khi được trao học bổng. Mà đã là mục tiêu thì phải rõ ràng, cụ thể, đo lường được. Bạn có thể trình bày công trình nghiên cứu mà bạn dự định triển khai khi được học bổng. Tất nhiên đây chỉ là một bản trình bày ngắn gọn cho những người cho dù không có chuyên môn về lĩnh vực đấy cũng hiểu được, chứ không phải như cái đề cương nghiên cứu chi tiết (trình bày ở phần sau). Trong bài luận bạn có thể nêu các chủ đề bạn muốn tìm hiểu ở nước mà bạn sẽ theo học. Ví dụ, bạn nghiên cứu về dân chủ ở hoa kỳ, hay kỹ thuật phẫu thuật mắt theo công nghệ mới đang mới chỉ áp dụng ở Hoa Kỳ chẳng hạn. Nếu bạn càng rõ ràng về mục tiêu học tập thì bạn sẽ có nhiều điểm cộng bởi nó chứng tỏ bạn chuẩn bị kỹ càng về ngành học và kế hoạch của mình. Nếu bạn mà lơ mơ về ngành học của mình thì bạn khó lòng viết được một bản mục tiêu học tập hay và hấp dẫn. Phần cuối, bạn có thể nêu một chút về dự định tương lai sau khi tốt nghiệp, với đa số học bổng chính phủ yêu cầu bạn quay về thì việc trình bày dự định tương lai sau khi tốt nghiệp về nước sẽ giúp bạn dẫn điểm. Ví dụ, sau khi tốt nghiệp, em mong muốn sẽ xây dựng một chương trình truyền hình thực tế phơi bày những cách tham nhũng của bộ máy chính quyền. Hoặc sau khi tốt nghiệp, em hy vọng sẽ gây dựng một doanh nghiệp xã hội giải quyết công ăn việc làm cho người khuyết tật. Lưu ý là kế hoạch phải khả thi, đừng chém gió như thằng củ chuối ở tập đoàn FPT khi tuyên bố 30 tuổi làm thủ tướng. Xin lỗi, ở Việt Nam chỉ có thủ lợn mới nghĩ như vậy.
Research Proposal (Đề cương nghiên cứu): cái này thường phổ biến hơn với các bạn theo học Thạc sỹ nghiên cứu hoặc tiến sỹ. Việc chuẩn bị cái này khá mất thời gian bởi bạn phải đọc khá nhiều tài liệu mới viết được. Cái đề cương này trình bày rõ ra kế hoạch nghiên cứu của bạn bao gồm các phần:
• Giới thiệu về đề tài
• Cơ sở lý luận
• Literature Review
• Phương pháp
• Giả thuyết
• Khung thời gian
• Tài liệu tham khảo
Thư chấp nhận nhập học (Admission Letter): Ở một số học bổng chính phủ nước ngoài, một yêu cầu cần có nữa trong bộ hồ sơ xin học bổng là phải có thư chấp nhận học của trường mà bạn dự định học. Đây là lá thư mà trường bạn dự định học cung cấp cho bạn chứng minh rằng bạn đã được trường chấp nhận bạn làm sinh viên. Để xin được thư này, bạn phải liên hệ trực tiếp với các trường và phải nộp một bộ hồ sơ xin học vào trường đó. Bộ hồ sơ xin học này cũng gồm các giấy tờ khá giống như bộ hồ sơ xin học bổng chính phủ. Bạn phải cung cấp các giấy tờ bao gồm: bằng đại học, bảng điểm, sơ yếu lý lịch (CV), điểm tiếng Anh..vv. Sau khi xem xét hồ sơ xin học của bạn, trường sẽ trả lời bạn có được chấp nhận nhập học hay không. Nếu có, trường sẽ cho bạn 1 thư chấp nhận học. Có 2 loại thư chấp nhận nhập học (i) unconditional letter (tức là thư không điều kiện) tức là không có điều kiện nào kèm theo cả, bạn được chấp nhận vào học. (ii) conditional letter (thư nhập học có điều kiện) tức là bạn bị ràng buộc một điều kiện mới đủ điều kiện nhập học, có thể là phải bổ sung điểm tiếng anh cao hơn, hoặc phải đảm bảo có tài trợ mới được nhập học chẳng hạn. Xin thư nhập học này khá mất thời gian, nếu hạn nộp hồ sơ học bổng là 30/6 thì bạn nên bắt đầu liên hệ với trường xin thư nhập học ít nhất trước 1 tháng so với hạn nộp hồ sơ học bổng, vì các trường vào mùa tuyển sinh có hàng nghìn hồ sơ giống bạn nên họ không thể trả lời bạn sớm được.
Các văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm: Cái này thì bạn cần phải có để nộp kèm hồ sơ. Trong hồ sơ xin học bổng, bạn không nộp bản gốc mà chỉ nộp bản sao có công chứng của bản gốc thôi. Với tài liệu mà bằng tiếng Việt thì bạn cần mang đem dịch ra tiếng Anh rồi công chứng. Sau đó bạn scan và upload lên website học bổng theo hướng dẫn. Lưu ý, đối với các nước ngoài, họ yêu cầu tài liệu phải “certified”, bạn nên hiểu từ “certified” này chính là “công chứng” của Việt Nam. Tức là họ yêu cầu bạn phải upload bản scan của văn bằng đại học được công chứng chứ không phải là bạn scan bản gốc của bằng rồi upload trực tiếp lên luôn. Cho dù là cái bằng gốc có màu và có dấu đỏ, cũng không được chấp nhận mà cái họ chấp nhận là bản photo đen trắng của cái bằng đó, có dấu đỏ công chứng chứng nhận sao y bản chính.
VI. Khi nào nên tìm hiểu thông tin học bổng chính phủ?
Nếu bạn có một ước mơ du học thì chả bao giờ là quá sớm để tìm hiểu về học bổng chính phủ mà bạn muốn nhắm tới. Tôi còn nhớ là tôi đã bắt đầu đi tìm hiểu học bổng chính phủ từ năm tôi học năm 2 đại học, mặc dù tôi biết học bổng chính phủ khi đó chỉ dành cho những ai đã có 2 năm kinh nghiệm đi làm, nhưng tôi vẫn âm thầm đến dự các buổi giới thiệu thông tin về học bổng để lấy những tờ rơi, những cuốn tài liệu, rồi lắng nghe những câu hỏi và giải đáp ở buổi chia sẻ đó, ghi chép lại và về chuẩn bị bản thân mình về học lực và giấy tờ theo định hướng nhắm tới học bổng đó. Và cuối cùng thì giấc mơ của mình cũng thành hiện thực khi tôi được học bổng Fulbright năm 2009. Do vậy, lời khuyển của mình với các bạn quan tâm tới học bổng của chính phủ là hãy bắt đầu tìm hiểu ngay khi bạn có dự định đi du học. Sự tìm hiểu càng sớm, càng giúp bạn có sự chuẩn bị chu đáo và cẩn trọng nhất.
VII. Hiện nay đang có những học bổng chính phủ nào ở Việt Nam và tìm thông tin ở đâu?
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều học bổng Chính phủ cho công dân Việt nam. Đây là một cơ hội rất lớn cho các bạn đi du học. Do tôi cũng không có nhiều thời gian để tìm hiểu đầy đủ, xin chỉ liệt kê ra đây một số học bổng chính phủ mà tôi biết, bạn nào biết thêm học bổng nào thì bổ sung giúp mình nhé.
VIII. Các nguồn thông tin về học bổng hữu ích khác
Lưu ý: Phần VII & VIII, mình trình bày các thông tin học bổng vào 1 cái bảng (Table) mà khi post vào đây nó bị hỏng format, nên bạn nào muốn xem bản full của bài này thì download bản Pdf ở phần comment bên dưới nhé.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của cá nhân tôi về học bổng chính phủ. Hy vọng rằng bài viết này sẽ tiếp lửa cho các bạn, giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc nộp hồ sơ chinh phục ước mơ du học của mình. Bài viết này tôi viết một mạch theo cảm hứng (nếu không tính nghỉ ăn trưa) do đó khó có thể tránh khỏi thiếu soát hay nhầm lẫn, rất mong các bạn chia sẻ và góp ý. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email của tôi tại địa chỉ [email protected]. Các bạn cũng có thể góp ý bằng cách comment trực tiếp trên bài viết của tôi đăng trên facebook tại địa chỉ https://www.facebook.com/tranngocthinh287
Phần 1: https://scholarshipplanet.info/vi/hoc-bong-chinh-phu-nhung-dieu-ban-can-biet-phan-1/
Xin trân trọng cảm ơn.
Hà Nội, ngày 5/6/2013
Trần Ngọc Thịnh
Facebook fanpage: http://www.facebook.com/tranngocthinh287
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.