scac
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều du học sinh Việt phải về nước và chuyển sang học online 100%. Vũ Thị Hoài – sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị Nhân dân Nga cũng là một trong số đó.
Bước ngoặt cuộc đời nhờ tiếng Nga
Vũ Thị Hoài (sinh năm 2000) là cựu sinh viên ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội. Nữ sinh đã theo học tiếng Nga từ những năm cấp 3, tại trường THPT Chuyên Thái Nguyên, từ đó có cơ hội thi đỗ và học tập tại khoa Ngôn ngữ Nga tại ĐH Ngoại ngữ.
Tại đây, cô tham gia kì thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Văn hóa Nga tổ chức nhằm tìm những bạn học sinh, sinh viên ưu tú qua Nga học tập và đạt giải cao nhất, giành học bổng du học ngành Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hữu nghị Nhân dân Nga (RUDN).
Theo đuổi đam mê tiếng Nga và du học tại đất nước này, Hoài Vũ thường xuyên nhận được những thắc mắc, tò mò của mọi người xung quanh vì việc du học Nga không còn phổ biến như thời “ông bà ta”. Tuy vậy, cô có suy nghĩ rất riêng về vấn đề này. “Theo em hiện nay việc du học Nga là một cơ hội rất tốt, vì sinh viên nào cũng cần rèn luyện nhiều hơn không chỉ ngôn ngữ Nga mà còn các kiến thức chuyên ngành, các kĩ năng mềm và vốn ngoại ngữ. Du học Nga vẫn là một điều tuyệt vời để các bạn có cơ hội tiếp cận một nền giáo dục văn hóa tốt, để giao lưu và khám phá cho các bạn với những điều kiện hợp lý và cũng hợp khả năng” – nữ sinh khẳng định.
“Em lựa chọn học ở đây vì ngôi trường này cũng như cái tên của nó – một nơi có nhiều bạn bè quốc tế, năng động và nhiều hoạt động thú vị. Thứ hai là chất lượng giáo dục ở trường rất tốt, em căn cứ theo bảng xếp hạng đánh giá giáo dục. Lựa chọn ngành ngôn ngữ học cũng là vì em có niềm yêu thích với ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nga. Việc biết thêm một ngôn ngữ mới như được sống trong một thế giới mới vậy. Em hòa nhập khá nhanh với môi trường mới cùng với các bạn quốc tế. Thầy cô và các anh chị luôn nhiệt tình giúp đỡ và tư vấn cho em. Cũng nhờ vậy mà kĩ năng ngoại ngữ của em được cải thiện rất nhiều” – nữ sinh Thái Nguyên chia sẻ thêm.
Việc học tập ở một nơi cách Việt Nam hơn 8.000km giúp Hoài tự lập hơn, cố gắng bước ra khỏi vùng an toàn và hòa nhập với bạn bè quốc tế. Đôi lúc, cô không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà, lạc lõng, cô đơn giữa những người bạn học rất ưu tú, hay đổ bệnh vì không hợp khí hậu. Nữ sinh phải tự cân nhắc và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, học cách quản lý tài chính và chăm lo cho sức khỏe của bản thân.
“Kỉ niệm, ấn tượng thì nhiều lắm. Mát-xcơ-va có rất nhiều điều, khiến người ta đã đặt chân đến một lần và không muốn rời đi nữa. Đối với em đây là một thành phố khá nhộn nhịp nhưng lại rất nên thơ. Em yêu bầu không khí mây trời ở đây rất nhiều. Khí hậu Mát -xcơ-va khá ôn hòa: mùa hè xanh mát, mùa đông tuyết phủ trắng trời, mùa xuân cây đâm chồi rất thơm, đặc biệt là mùa thu cây lá đổ vàng. Mùa thu nước Nga được chọn trong 10 nơi có khung cảnh đẹp nhất thế giới cũng vì vậy.
Em cũng đi tham quan các địa điểm tại Quảng trường Đỏ – Chứng nhân lịch sử, Lăng Lê-nin, trung tâm mua sắm lớn nhất nước Nga-GUM, bảo tàng lịch sử, nhà thờ thánh Vasily, điện Kremlin, ngoài ra còn có quảng trường chiến thắng, phố cổ Arbat, sông Mát-xcơ-va, nhà hát Bolshoi, Moscow city, bảo tàng tranh Tretyakov,…
Người Nga có một văn hóa đọc sách đáng ngưỡng mộ, nếu đi trên các phương tiện công cộng sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh một cụ già, một người trưởng thành hay một sinh viên đang ngồi tranh thủ đọc sách. Một điều nữa em hết sức ấn tượng đó là sự đúng giờ. Ở Nga, sự chính xác trong giờ giấc là rất quan trọng trong tất cả các lĩnh vực”.
Trải nghiệm “Du học tại nhà” đáng nhớ
Lên đường du học tại một đất nước xinh đẹp, lãng mạn, có lẽ Hoài Vũ không thể ngờ, mình sẽ được trải nghiệm thời gian “du học mùa dịch” và sau đó là “du học tại nhà” qua hình thức online vì đại dịch Covid-19. Sau hơn 1 năm du học và bất ngờ “sống chung với dịch” tại nước ngoài, nữ sinh quyết định về nước vào cuối năm 2020, khi nhà trường cho phép sinh viên học online.
Nữ sinh kể, các lớp học theo tiến độ qua online, lên lớp bằng nền tảng teams. Việc học khá bất lợi khi Việt Nam cách Mát-xcơ-va 4 giờ nên lên lớp không theo đồng hồ sinh học, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và sức khỏe. Tuy nhiên, việc học online cũng có thuận lợi hơn khi có thể linh hoạt trong việc lên lớp.
“Do sự chênh lệch múi giờ nên em thường học vào khoảng chiều và tối. Có những ngày các tiết học kéo dài liên tục đến tối muộn, khiến thỉnh thoảng em phải tranh thủ ăn, làm việc nhà hay ngủ gật giữa giờ. Đôi khi, em cũng gặp sự cố nho nhỏ như mất điện chẳng hạn. Giảng viên rất nỗ lực trong việc giúp sinh viên chúng em thích nghi với hoàn cảnh và tương tác lẫn nhau. Thời gian còn lại, em dành cho việc hoàn thành các bài tập, viết tiểu luận và dành thời gian cho gia đình mình”- Hoài cho hay.
Nữ sinh cũng chia sẻ thêm: “Việc học online đầu tiên là giúp bảo vệ sự an toàn cho em cũng như mọi người, nhưng cũng làm hạn chế sự giao tiếp ngoại ngữ của chúng em. Đặc biệt, việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong thời gian dài cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là mắt. Nhưng theo em, đây là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng khó khăn, mà em cùng các bạn đều đã và đang phải trải qua trong khoảng thời gian này”.
Ước mơ từ nhỏ của Vũ Thị Hoài là trở thành một biên – phiên dịch ngoại ngữ, bởi vậy cô dự định sẽ trau dồi vốn tiếng Anh, tiếng Nga và sớm quay trở lại Nga để hoàn thành chương trình học.
Thần tượng của nữ sinh là BTV Hoài Anh vì khả năng xử lí ngôn từ nhạy bén, chỉn chu và khéo léo. Hoài Vũ yêu thích câu châm ngôn: “Thứ ánh sáng rực rỡ nhất là ánh sáng bên trong bạn.
Hãy dùng nó để dẫn đường trong cuộc sống”, bởi vậy nữ sinh luôn nỗ lực hết mình trong mọi tình huống, để có được cho mình nhiều trải nghiệm, đủ sự minh mẫn, bản lĩnh bước đi trên con đường mình đã lựa chọn.
Những thành tích của Vũ Thị Hoài:
- Học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Nga.
- Đại sứ ULIS 2018-2019.
- Giải nhất cuộc thi Olympic tiếng Nga.
- Thành viên BCH khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga.
- Tham gia cuộc thi Sinh viên thanh lịch ĐHQG Hà Nội.
- Tham gia BCH phân viện tiếng Nga mang tên A. X. Pushkin
Hồng Minh
Nguồn Nàng thơ du học sinh Nga chia sẻ trải nghiệm “du học tại nhà” | Báo Dân trí
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.