Một mùa apply mới lại đến, mở đầu bằng siêu học bổng phức tạp + cạnh tranh Erasmus Mundus. Hành trang mà mỗi “chiến binh” cần trang bị cho mình trong cuộc chiến săn học bổng đơn giản gói gọn vào 2 thứ: tinh thần và hồ sơ xin học.
***
Một bộ hồ sơ là tất cả những gì bạn có thể làm để “chào bán” bản thân đối với các trường đại học và ban xét duyệt học bổng. Thành hay bại đa phần từ nó mà ra và đôi khi chỉ một sai lầm nhỏ khi chuẩn bị có thể dẫn đến cay đắng rất lớn.
Hãy cùng điểm qua một số câu chuyện thực tế xoay quanh việc chuẩn bị và nộp hồ sơ để rút ra kinh nghiệm nhé.
Chuyện số 1:
Hồi còn la liếm trên ttvnol (tức là thớt học bổng nào cũng có mặt ý), mình để ý thấy có 1 số bạn không apply SI (học bổng của Thụy Điển) hoặc các học bổng trường của Úc với cùng 1 lý do là “phải nộp phí”. Đúng là số tiền không nhỏ, ~9 triệu với SI (không hoàn lại dù kết quả thế nào) và 100-150 AUD đối với các trường ở Úc (hoàn lại nếu được học bổng). NHƯNG không lớn đến mức bỏ qua cả 1 cơ hội! Mình cho rằng suy nghĩ như thế là thiển cận. Có câu “bỏ con săn sắt bắt con cá rô”. Người ta cấp học bổng cả mấy chục ngàn euro, bạn bỏ ra vài trăm để nộp hồ sơ, quá rẻ nếu bạn được học bổng và cũng không quá đắt để “mua” 1 kinh nghiệm để đời dù bạn có chót trượt học bổng đó.
Kinh nghiệm rút ra: Đừng bỏ qua các loại học bổng bắt nộp phí xét tuyển! (nhưng cũng đừng có nhầm với cúng tiền cho các công ty tư vấn du học với lời hứa hẹn xin được học bổng đó nha).
Chuyện số 2:
Lại cũng bạn SI, nhưng có thể suy chung ra cho các loại học bổng bắt nộp hồ sơ qua đương bưu điện (vâng, mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại số, mọi thứ đều online, vẫn có nơi đòi hỏi tréo nghoe thế đấy). Ngắn gọn là thế này: nộp hồ sơ (gửi chuyển phát ở bưu điện) khi hạn chót nộp đã cận kề –> hồ sơ thiếu 1 thứ giấy tờ nho nhỏ gì đó –> bị yêu cầu bổ sung –> phải gửi chuyển phát nhanh tốn rất nhiều tiền HOẶC lỡ mất cơ hội nộp học bổng. Dù là kết quả nào thì cũng đều chắc đẹp đẽ gì và hoàn toàn có thể tránh được.
Kinh nghiệm rút ra: Đối với các học bổng phải nộp hồ sơ giấy (không online), đừng bao giờ chờ đến sát hạn chót mới nộp
Chuyện số 3:
Có kha khá học bổng yêu cầu phải xin giấy nhập học của trường trước, ví dụ như Chevening (Anh), EBF (Groningen, Hà Lan), SI (Thụy Điển), Endeavour (Úc) etc. Trường xét thì nhanh, các học bổng mới có quá trình xét lâu. Trường cũng cho nộp hồ sơ từ rất sớm và nộp lúc nào cũng được không như học bổng chỉ cho nộp trong 1 khoảng thời gian nhất định (1-2 tháng). Sai lầm khi chỉ xin giấy nhập học 1-2 tháng trước hạn chót của học bổng. Sẽ muộn và mất cơ hội (hoặc lợi thế) nộp học bổng nếu như không nhận được giấy nhập học đúng hạn, hoặc trường yêu cầu bổ sung giấy tờ etc.
Kinh nghiệm rút ra: (cũng giống như điểm 2) Xin giấy nhập học càng sớm càng tốt (>3 tháng trước hạn nộp học bổng), VÀ tránh các giai đoạn cao điểm (giai đoạn trường nghỉ giáng sinh cuối tháng 12, đầu tháng 1; lễ phục sinh vào tháng 4; nhiều hồ sơ như tháng 7, 8).
Chuyện số 4:
Thiếu cẩn thận khi làm hồ sơ nhiều khi là một lỗi chết người. Mình ngồi cùng phòng với ông tuyển sinh khóa thạc sĩ. Ổng rất hay đọc trích đoạn SoP của sinh viên lên và bình luận. Có lần thấy ổng đọc lên câu này từ SoP của ai đó “I am confident that I deserved to receive the xyz scholarship from you…” rồi ổng tiếp luôn “but you are applying for the master program in our institute… no sorry you do not deserve anything!”. Đó, khi mà ai đó phải đọc cả trăm cái hồ sơ, họ trở nên vô cùng nhạy cảm với những tiểu tiết nhỏ nhặt 😉
Kinh nghiệm rút ra: Kiểm tra, kiểm tra, kiểm tra kỹ tất cả các tình tiết trong hồ sơ của bạn, mọi thứ phải thật sự thống nhất từ CV, đến LoR, đến SoP. Đảm bảo tên trường, tên học bổng trùng khớp. Đảm bảo SoP viết đúng về cái ngành, trường đang xin. Râu ông nọ mà cắm cằm bà kia là thảm lắm đó 😀
Nguồn: 5 continents 4 oceans
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.