Những câu hỏi hay nên chuẩn bị cho buổi phỏng vấn nhập học

Bạn nên nhớ, những câu bạn hỏi phải thể hiện được suy nghĩ của mình, cho đại diện trường thấy rằng bạn đã tìm hiểu trước, và hiểu được những thông tin đã được đại diện nhắc đến ở các phần trước. Có 3 dạng câu hỏi bạn có thể hỏi: câu hỏi dựa trên thông tin bạn đã tìm hiểu trước khi phỏng vấn, câu hỏi dựa trên thông tin mà đại diện trường cung cấp trong buổi phỏng vấn, và những câu hỏi mang tính cá nhân.

QA

Dạng 1: Câu hỏi dựa trên thông tin bạn đã tìm hiểu trước khi phỏng vấn

Có rất nhiều câu hỏi hay thuộc dạng này. Nhưng như thế nào là hay? Câu hỏi phải tập trung, không lan man vòng vo, và “tương thích” với đam mê, sở thích của bạn. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị những câu hỏi này trước, bởi vì trong phần lớn thời gian phỏng vấn, bạn sẽ phải trả lời câu hỏi của đại diện trường thay vì đặt câu hỏi cho họ. Do đó, bạn nên tránh hỏi những câu đơn giản, có thể trả lời được trong tích tắc.

Một số những tình huống giả định cho dạng câu hỏi này:

  1. Em mong muốn được tận dụng những cơ hội thầy đang trao cho sinh viên để có thể đến Trung Quốc học tập, nhưng em lại ở trong đội tuyển bóng chuyền, liệu rằng em có thể có được cơ hội đó không? Em không biết những sinh viên-vận động viên (student-athlete) học ở nước ngoài có được tiếp tục tham gia tập luyện thể thao trong khoảng thời gian học ở Trung Quốc không ạ?
  2. Tôi rất hứng thú với chương trình thực tập của phía công ty dành cho những sinh viên ngành báo chí. Vậy ông/bà có thể cho tôi biết thêm những chương trình thực tập cụ thể mà sinh viên đã được trải nghiệm, cũng như những lợi ích về mặt học thuật hoặc về định hướng nghề nghiệp mà những chương trình này mang lại cho thực tập sinh được không?

Dạng 2: Câu hỏi dựa trên thông tin đại diện trường cung cấp trong buổi phỏng vấn

Thường thì bạn sẽ khó mà chuẩn bị cho những câu hỏi kiểu như vậy, nhưng nếu hỏi được những câu như thế thì rất tốt, vì điều đó thể hiện bạn thực sự tham gia vào buổi phỏng vấn, hứng thú với những thông tin được đưa ra, và chú ý vào lời nói của đại diện trường. Nếu bạn nghĩ ra được câu hỏi dựa trên những gì mà đại diện trường đã nói với bạn ở những phần trước của cuộc phỏng vấn, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi. Ví dụ như, nếu người phỏng vấn và bạn đang trao đổi về một chương trình dạy kèm (tutoring program), bạn có thể hỏi họ rằng trước đây họ đã từng tham gia chưa, hoặc hỏi thêm thông tin về cách thức hoạt động của chương trình đó.

Dạng 3: Câu hỏi cá nhân

Đây là những câu hỏi liên quan đến quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề của người phỏng vấn bạn. Những câu hỏi cá nhân có thể được đánh giá cao vì đại diện trường có xu hướng muốn đưa ra định hướng cho các ứng viên, và nhiều người rất thích nói về bản thân họ. Bạn có thể tham khảo những câu hỏi sau:

  1. Em sắp sửa trở thành sinh viên đại học, liệu thầy có thể cho em một vài lời khuyên được không ạ?
  2. Nếu được trở lại là một sinh viên sắp nhập học, thầy mong muốn lẽ ra mình nên biết được điều gì?
  3. Em đã đọc về (một sự kiện lớn được tổ chức ở trường, hoặc một truyền thống của nhà trường). Thầy có tham gia vào sự kiện đó không ạ? Thầy có thể cho em biết sự kiện đó diễn ra như thế nào được không ạ?

Những câu hỏi như thế này thường rất hay vì chúng cho thấy bạn đã tìm hiểu rất kĩ về trường, và chạm đến được người phỏng vấn, bởi lẽ con người chúng ta thường có xu hướng hoài niệm về những trải nghiệm của mình.

Những điều cần tránh

Có một số chủ đề bạn nên tránh đề cập trong buổi phỏng vấn:

Xác suất bạn nhận được thư mời nhập học

Hiển nhiên rồi, bạn không nên hỏi liệu bạn có được trường nhận vào học không. Người ta có thể đánh giá bạn là một đứa kiêu ngạo, và thậm chí đại diện trường cũng chưa hẳn có quyền để trả lời bạn. Thông thường, đại diện trường là những sinh viên đang theo học tại trường, hoặc cựu sinh viên, là những người chưa đọc qua hồ sơ của bạn, và ngoài việc họ phải báo cáo lại với nhà trường về buổi phỏng vấn, họ không được phép quyết định bạn có nhận được thư mời hay không.

Những câu hỏi không có tính học thuật

Hãy tập trung vào những câu hỏi liên quan đến nhà trường và chuyên ngành bạn nộp đơn, thay vì lan man vào những chủ đề không liên quan. Bạn hoàn toàn được phép hỏi về cuộc sống của sinh viên ở trường, hay những hoạt động ngoại khóa của trường, nhưng hãy nhớ rằng bạn nộp đơn để đi học, không phải để đi chơi. Nếu phần lớn những câu hỏi của bạn liên quan đến tiệc tùng, thể thao, nhà trường có thể nghĩ bạn không nghiêm túc với chuyện học hành.

Những thông tin dễ dàng tìm thấy trên trang web của trường hoặc chỉ bằng một phép Google

Nếu bạn hỏi đại diện trường rằng trường nằm ở đâu, hoặc trường có ngành này ngành kia không, họ sẽ thấy bạn chẳng đầu tư thời gian chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.

Thứ hạng của trường, hoặc những câu hỏi dạng như “Trong trường thì khoa nào mạnh nhất?”

Các trường đại học thường giới thiệu vị thứ của mình trong bảng xếp hạng trên trang web, hoặc trong các cuốn sổ tay thông tin của nhà trường, nhưng người phỏng vấn sẽ chẳng mấy hứng thú nếu họ nhận được những câu hỏi như thế. Bạn nên biết rằng, mục tiêu của buổi phỏng vấn nhằm giúp trường hiểu hơn về bạn, và xem xét liệu bạn có phù hợp với trường không. Chắc là bạn cũng chẳng muốn thể hiện mình là một ứng viên quan tâm quá mức đến danh tiếng và thứ hạng của trường, và đại diện trường cũng sẽ khá do dự khi trả lời chuyên ngành nào là mạnh nhất tại trường. Một khi đã nói chuyên ngành này mạnh nhất trường thì cũng hàm ý rằng có những ngành khác trong trường tệ hơn, hoặc không tốt được như thế.

Hãy hỏi một cách trang trọng và chuyên nghiệp. Nếu người phỏng vấn bạn là một sinh viên đang học tại trường hoặc là cựu sinh viên, bạn có thể hỏi về trải nghiệm của anh/chị tại trường, và lý do anh/chị chọn trường này. Tuy nhiên, cũng đừng hỏi những câu quá riêng tư, chỉ nên đề cập đến những chủ đề thích hợp để trao đổi với thầy, hoặc với sếp của mình.

Một vài lời khuyên

  • Hãy tìm hiểu kĩ, chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn.
  • Đặt ra những câu hỏi hay là một cách hữu hiệu để thể hiện bạn mong muốn theo học tại trường.
  • Bạn có thể viết câu hỏi đã chuẩn bị ra giấy và mang theo tờ giấy này lúc đi phỏng vấn, nhỡ như bạn quên câu hỏi. Tuy nhiên, đa số thời gian của buổi phỏng vấn được dùng để trò chuyện, trao đổi. Chắc bạn cũng không muốn đến và tỏ ra mình đang cố gắng nói những thứ mình đã thuộc lòng trước đó.
  • Nếu lo lắng, bạn có thể luyện tập trước với bố mẹ, thầy cô, người tư vấn, hoặc với bạn bè của mình. Nếu người luyện tập cùng bạn không nắm rõ quy trình phỏng vấn, bạn có thể tập trả lời những câu hỏi quen thuộc. Tương tự như thế, nếu bạn đang băn khoăn không biết những câu hỏi bạn đã chuẩn bị có hay không, bạn có thể hỏi thầy giáo, hoặc người tư vấn của mình.

Đừng lo gì cả. Nếu bạn làm theo những điều này, buổi phỏng vấn của bạn sẽ suôn sẻ cả thôi.

Nguồn: ScholarshipPlanet

Tổ chức, cá nhân muốn đăng thông tin học bổng, chia sẻ kinh nghiệm du học và các nội dung khác trên Scholarship Planet, vui lòng gửi thông tin đến hộp mail [email protected]