Huyền – Câu chuyện MBA của tôi!

Huyền - Câu chuyện MBA của tôi!
Huyền – Câu chuyện MBA của tôi!

From Ms. Huyền bellevie_99

Đọc kinh nghiệm của những bạn đi trước, đa phần mọi người đều có định hướng và sự chuẩn bị rất kỹ càng, ngay từ những năm bước vào đại học. Sự thành công của các bạn ấy là điều tất yếu. Vậy nếu bạn đã chót bỏ qua giai đoạn này, liệu có còn cơ hội cho bạn apply thành công? Câu trả lời là có, với điều kiện bạn phải hiểu rất rõ bạn cần gì ở tấm bằng MBA, và tập trung mọi nguồn lực của bạn để thực hiện điều đó.

Cho tới giữa năm 2008, tôi chưa từng nảy ra ý tưởng sẽ theo đuổi MBA tại Mỹ. Lý do thì rất đơn giản, tiếng Anh của tôi chỉ ở trình độ ABC. Việc ghé thăm vài trường nổi tiếng tại Mỹ mùa hè năm đó và cảm nhận môi trường học tập ở Mỹ đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của tôi.

Quyết định apply MBA tại Mỹ của tôi vấp ngay phải sự phản đối của mấy cô bạn thân. Cô thì: ‘‘Sao không học ở Pháp, đỡ công học tiếng Anh’’. Cô thì: ‘‘Học gì nữa, giờ chỉ chơi thôi’’ và ‘‘Già rồi học không vào đâu!’’. … Ơ thế thì mình lại phải chứng minh là các bạn sai.

Càng tìm hiểu về MBA ở Mỹ tôi càng hiểu ra là mình đang húc đầu vào 1 tảng đá lớn. Mới nghĩ tới chuyện phải có Toefl thôi là đã thấy oải lắm rồi, xong lại phát hiện thêm nào là GMAT, nào là essays… Tôi quyết định sẽ làm từng bước một, tránh cho bản thân khỏi bị …shocked với khối lượng công việc khổng lồ.

1. GMAT

Nhóm GMAT của US Guide khởi động khoảng tháng 11/08. Thời gian đầu việc học GMAT rất on off, phần do tôi vẫn đang học 1 lớp Toefl ở Equest, phần do chưa tìm ra cách học hiệu quả. Tới cuối tháng 3 tôi cảm thấy mình chẳng có tiến bộ gì. Khi đó tôi dành nhiều thời gian lên mạng tham khảo cách học của các cao thủ. Sau vài tuần như thế, tôi quyết định stick với vài tài liệu cơ bản: OG 10 và 11, 1000SC, Reading GMAT-LSAT-GRE và các loại test set cả paper lẫn CAT. Thời gian đầu mỗi ngày tôi làm 20 câu SC, 20 câu CR và đọc 2-3 bài, sau tăng lên 50 câu SC/ngày, đọc thì tùy hứng có thể tới 5 bài/ngày. Những câu trả lời sai được đánh dấu để lâu lâu làm lại. Thời gian sau tôi dùng count down để theo dõi thời gian làm bài. Việc tuân thủ chế độ học hành ‘‘hà khắc’’ này mỗi ngày quả có giúp tôi cải thiện rõ rệt tiến độ làm bài.

Phần AWA thì khoảng 1 tháng trước khi thi tôi mới bắt đầu ôn, vì sợ :D Lúc mới đầu đọc đề bài xong chả biết phải viết gì, thôi thì ôm luôn cuốn sample essays đọc. Đọc khoảng vài chục bài rồi cũng bắt đầu nghĩ ra ý khi nhìn vào 1 cái đề lạ hoắc. Nhưng có ý rồi vẫn chưa xong. Mỗi lần viết là đánh vật với câu chữ, tra từ điển mỏi tay. Mỗi bài viết 20 dòng mà có khi ngồi cả buổi tối. Nhờ 1 chị Ấn Độ sửa xong nhìn cũng muốn xỉu. Đỏ lòe.

10 ngày cuối cùng trước khi thi, ngày nào tôi cũng ngồi làm 1 đề test set + 2 đề viết lấy từ bộ sample, túm lại là y như thi thật. Tôi làm khá nhanh nhưng cũng hiểu là điều có không có ý nghĩa gì nhiều, vì có nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại quá tới mức chẳng cần đọc cũng biết câu trả lời rồi.

Ngày thi: 15/7/2009

Hồi đang học GMAT có lần nghe em Nhung học chung nhóm kể chuyện đi thi của Biện Hà Linh, thế nên sau khi đăng ký tôi cẩn thận tới nhòm tận mắt cái nơi mình sẽ trải qua 4 giờ thi. Cảm nhận của tôi là mọi cái có vẻ ổn, trừ việc chả hiểu có con gì đốt sưng hết cả chân tay. Thế nên sáng hôm đi thi tôi bôi kem chống muỗi trước khi tới phòng thi. Bạn nào da nhạy cảm thì cũng nên check cái này, chứ lúc ngồi thi mà phải lo gãi ngứa thì thôi xong!

Quá trình thi chẳng có gì đáng nói, trừ 1 chuyện lúc đang làm phần Math thì cái điện thoại của cô nàng trông thi cứ réo liên tục. Cũng may mình đã được tôi luyện nhiều nhờ toàn học nhóm GMAT trên Parkson, nên không bị disturb mấy.

Kết quả: 700 (Q 47, V 38); không ở mức cao nhất của phong độ, nhưng cũng đủ làm tôi hài lòng.

2. TOEFL

Xong GMAT, tôi có đúng 45 ngày để luyện Toefl. Ngoại trừ kỹ năng đọc, vốn dĩ được nâng lên đáng kể sau quá trình học GMAT, tôi chẳng có gì để tự hào về khả năng tiếng Anh của bản thân. Bởi thế tôi cũng hoạch định 1 kế hoạch sát sao nhằm nhai hết mấy bộ Longman, Delta key, Baron, OG và kết thúc bằng mấy bài test của Cambridge.

Phần tôi sợ nhất trong Toefl là speaking và writing. Listening thì cũng không tốt, nhưng đoán mò vẫn được thêm chút ít, còn speaking và writing thì chả có chỗ nào bấu víu. Tôi học speaking theo chương trình Effortless load được trên mạng. Mỗi ngày nghe 1 mini story rồi lải nhải nhắc lại từng câu. À cái này thì phải nói là tôi đã bắt đầu học từ khoảng cuối năm 2008. Bên cạnh đấy, tôi in cái list các câu hỏi cho Q1 và 2 trong đề Toefl ra giấy rồi cắt thành từng mảnh. Mỗi ngày trước khi đi làm vớ lấy vài tờ, tập trả lời trong quãng thời gian từ nhà tới office.

45 ngày đó quả thật là Ăn Toefl, Ngủ Toefl. Và cũng giống như GMAT, tôi hoàn thành mọi tài liệu và test đúng 1 ngày trước ngày thi thật.

Ngày thi: 30/8/2009

Cũng giống như GMAT, trước ngày thi tôi lượn qua nơi tổ chức thi tại ĐH NT, nhưng lần này cửa đóng then cài chả nhìn được cái gì. Tuy nhiên đọc kinh nghiệm của các bạn thi trước tôi cũng phần nào hình dung ra mình sẽ đối mặt với cái gì. Rắc rối đầu tiên là khi tôi tập trung vào phần reading thì cô bé giám thị cứ đi qua đi lại nhìn nhìn ngó ngó, nện đôi giày cao gót cộc cộc cộc cộc. Chịu đựng khoảng 10 phút mà em không có dấu hiệu là sẽ ngừng đi lại, tôi đành vẫy em lại nói nhỏ, nhờ em lưu ý giảm volume của đôi giày. Sau 3 bài đọc, phần listening hiện ra. Vậy là tôi vớ phải cái đề long form của listening rồi, điều tôi vẫn sợ nhất trước khi đi thi. Quả thật trong cái mớ 9 bài nghe, có 1 bài tôi gần như không nghe nổi tí nào, ngay cả khi nhìn câu hỏi cũng không vỡ vạc ra được gì thêm. May phúc cho tôi chắc bài đấy là bài thử nghiệm, nên kết quả nghe của tôi vẫn khá tốt.

Kết quả: 103 điểm (Reading 29, Listening và Writing đều 27, Speaking 20)

Thiệt lòng mà nói, kết quả này làm tôi rất bất ngờ. Trừ phần Reading ra, mấy phần kia tôi đều không chờ đợi được điểm số cao thế. Sự cố gắng và kiên trì quả thật đã mang lại hiệu quả không ngờ tới. Speaking 20 với nhiều bạn sẽ là 1 thất bại, nhưng là một bước tiến đáng kể cho một đứa trước giờ chỉ lõm bõm vài câu chào và hỏi đường như tôi.

3. Chọn trường và viết luận:

Đây là phần tôi chuẩn bị không được tốt cho lắm. Giai đoạn học GMAT và Toefl, do không phán đoán được là mình sẽ đạt được điểm số ra sao, tôi không có gì để làm chuẩn trong việc chọn trường. Vả lại tìm hiểu về trường là việc khá mất thời gian, mà việc vừa đi làm vừa đảm bảo lịch học tôi tự đề ra mỗi ngày đã ngốn hết toàn bộ quĩ thời gian của tôi nên rút cuộc tôi chọn giải pháp thi xong mới bắt đầu search trường.

Giải pháp của tôi có 1 điểm lợi là do đã có kết quả các bài thi, tôi dễ dàng chọn được các trường phù hợp. Tuy nhiên thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu về trường thì không còn nhiều nữa, và vì khi làm bài thi Toefl và GMAT tôi đã gửi điểm hú họa cho một số trường mà sau này tôi chẳng apply, hậu quả là về sau tốn 1 mớ tiền để gửi điểm cho các trường mới chọn.

Cái list trường của tôi sau khi trao đổi với Hải, mentor của tôi, đã thay đổi khá nhiều. Đa dạng hơn về vị trí địa lý cũng như ranking. Hải khuyến khích tôi apply vào 1 trường top 10. Sau khi ngắm nghía, tôi quyết định chọn Chicago, USC, McCombs, BC, TCU, Carlson và Smeal.

Lúc này đã là cuối tháng 9. Deadline round 1 của Chicago là 14 tháng 10. Nghĩ rằng essay là cái gì đấy không quá khó, tôi ngây thơ quyết định sẽ apply round này. Gáo nước lạnh đầu tiên là khi nhận được feedback từ mentor, Hải chữa mấy bài essays của tôi be bét và chê đứng chê ngồi.

Ngụp lặn giữa đống essays và biển thông tin về trường, mặc dù đã cố gắng cải thiện nhưng cuối cùng tới ngày 14/10, tôi đành phải chấp nhận 1 sự thật là tôi chưa sẵn sàng với Chicago và chuyển sang chuẩn bị hồ sơ cho USC và McCombs. Chicago sau này tôi cũng nộp vào round 2. Tuy nhiên lúc đó đã biết kết quả 1 số trường, vả lại tôi cũng cho rằng không có cơ hội được full scholarship, mà tôi thì chẳng thích vay nợ đi học, nên tôi khá chểnh mảng với Chicago. Kết quả là interview cũng không được mời!

Các trường tôi chọn có deadline khá sát nhau: USC 1/11, McCombs 2/11; TCU và BC 15/11, Carlson và Smeal 1/12. Vậy là lúc nào tôi cũng ở trong tình trạng chuẩn bị cho 2 trường 1 lúc.

Viết essay là 1 công việc vô cùng cực nhọc. Có nhiều hôm tôi ngồi suốt cả buổi mà chẳng nghĩ ra được gì. Đầu óc trống rỗng, tâm trí bấn loạn.Chưa kể mỗi lần viết xong, chưa kịp thở phào thì comments của mentor lại làm mình choáng váng tiếp. Hihi. Mỗi lần buồn và nản quá lại lên mạng, mò vào Hall of Fame của VietMba để lấy lại tinh thần. Những bài viết của các bạn ở đây đã tiếp thêm cho tôi nhiều nghị lực.

Trong giai đoạn này, ngoài việc viết essay, cũng cần giữ liên lạc với trường bằng cách email hỏi han này nọ, tham gia các buổi online chat để lấy thêm thông tin… Tuy nhiên phần “networking” này tôi cho rằng tôi cũng không làm tốt lắm. Mối quan hệ gắn bó nhất mà tôi tạo được là với cô Adcom ở TCU, các trường khác thì rất bình thường. Thành ra lúc reject cái offer của TCU, dù ngay từ đầu đã xác định trường này chỉ là back up, cũng cảm thấy áy náy ghê gớm.

4. Phỏng vấn:

TCU là trường đầu tiên gửi interview invitation, chỉ khoảng 2 ngày sau khi nộp hồ sơ. BC thì phỏng vấn tất cả, và trong vòng 2 tuần sau khi nộp đơn xin học bổng mình phải chọn lịch phỏng vấn. Smeal cũng gửi invitation chỉ sau 2 ngày submit. Carlson thì lâu hơn vì điểm GMAT và Toefl của tôi mãi mới tới trường. (À nhân đây xin nhắc các bạn nếu trường nào yêu cầu gửi transcripts thì tốt nhất bạn nên gửi trước 2-3 tuần, như vậy chỉ cần gửi đảm bảo thường với giá rất rẻ: khoảng 50-70k đồng thay vì gửi nhanh mất 500-600k đồng)

Hải gửi cho tôi 1 list các câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn. Trong khi 1 số câu có thể lấy ý từ essay, nhiều câu hỏi khác làm tôi vắt óc suy nghĩ để tìm ra câu trả lời. Tôi phỏng vấn với TCU đầu tiên, hình như đâu ngày 30/11 thì phải. Cuộc phỏng vấn tổng cộng khoảng 35’, không có câu hỏi gì quá đặc biệt. Nhưng performance của tôi thì hơi bị tệ, nói năng ấp úng và sai be bét cả. Một điều hài hước là cái thói hỏi han linh tinh, mục đích để giữ contact với trường, khiến tôi phải trải qua thêm cuộc interview thứ 2 với bộ phận career service.

Sau cuộc phỏng vấn thứ nhất với TCU, tôi hiểu ra tôi phải chuẩn bị kỹ càng hơn, nhất là khi vốn tiếng Anh của tôi vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Tôi lại áp dụng chiêu đã dùng khi thi Toelf. Ngày nào tôi cũng ngồi lải nhải tự trả lời những câu hỏi trong Interview Questions list, tới mức thuộc lòng thì thôi J Cái này giúp 1 kẻ speaking kém như tôi trở nên tự tin hơn và phản ứng nhanh nhạy hơn rất nhiều trong các cuộc phỏng vấn sau.

Sang tháng 1, tôi đã có kết quả từ Smeal và TCU, nhưng vẫn chả có tin tức gì của USC và McCombs. Hải lại bày cho tôi cách email push 2 trường này bằng mấy cái offers tôi đã nhận được. Kết quả là McCombs thì gửi ngay interview invitation, còn USC, như truyền thống đã được truyền tụng qua nhiều bạn đi trước, chỉ trả lời cụt lủn rằng tôi sẽ có câu trả lời vào đầu tháng 2.

Bạn McCombs cũng tỏ ra rất dễ thương khi offer tôi phỏng vấn qua skype thay vì phải bay sang Thái Lan. Cuộc phỏng vấn theo tôi đánh giá là khá ổn, nhưng kết quả lại không như mong muốn. Tôi bị vào waitlist. Sau này nghĩ lại, tôi đoán chắc tại trong cuộc phỏng vấn, tôi đã hỏi quá nhiều về khía cạnh trường làm gì để giúp career swicher kiếm được internship, khi mà quá trình tìm internship bắt đầu gần như ngay từ lúc buớc chân vào trường, và điều này đã khiến tôi có vẻ yếu thế trong cuộc chạy đua tìm internship và job, mà nếu thế thì sẽ ảnh hưởng tới placement của trường. Cho tới giờ này, tôi vẫn đang ở trong waitlist!

USC lại là 1 bài học về timing. Tôi nhận được invitation vào những ngày cuối cùng của tháng 1, và đặt lịch phỏng vấn vào khoảng 4-6/2 gì đó không nhớ nữa. Tai họa là vài ngày trước ngày phỏng vấn, tôi sốt đùng đùng và viêm phế quản. Mặc dù đã biết năm nào tôi cũng bị 1 trận như thế và sẽ kéo dài cả tháng, tôi vẫn ngoan cố chỉ lui phỏng vấn lại có 1 tuần. Kết quả thế nào chắc các bạn tự đoán được. Cuộc phỏng vấn tẻ nhạt vì tôi ho liên tục và luôn bị hụt hơi, nghe chẳng có tí tự tin nào. Thế là thêm 1 bạn waitlist nữa.

À bạn BC thì cho ding không thương tiếc. Chả biết lý do là gì. Tôi cũng định sẽ làm cái mail hỏi lý do nhưng rồi bận rộn với các bạn khác cũng không buồn viết.

Có 1 cái thông kê khá là buồn cười, tôi tổng cộng trải qua 8 cuộc phỏng vấn (TCU 2, Carlson 2 còn các trường khác 1) mà toàn phỏng vấn với các ladies. Hồi đang chuẩn bị thấy có bạn nào bảo nếu có cơ hội thì nên chọn người phỏng vấn có opposite sex, thế mà mình chả gặp may tẹo nào về vụ này J

Một stat nữa của cá nhân tôi là hễ trường nào trả lời thank you email cho tôi thì kết quả tốt, mà không thì … tạch.

Kết quả chung cuộc :
In: Carlson, Smeal, TCU
Waitlist: USC, McCombs
Ding: Chicago, BC

Tổng kết

Bản thân tôi trước khi apply hoàn toàn chẳng có gì đặc biệt, cả về kết quả học tập lẫn kinh nghiệm công tác. Có lẽ vì thế mà tôi phải bù lại bằng cách lao động cực kỳ vất vả và nghiêm túc. Trong suốt hơn một năm học GMAT, Toefl và làm hồ sơ, tôi gạt bỏ mọi hoạt động vui chơi giải trí ngoại trừ 1 buổi chiều chủ nhật cuối tuần với bạn bè. Đôi lúc tôi khiến các bạn ngạc nhiên vì chẳng biết gì về tình hình thời sự! Các bạn yêu du lịch í ới hỏi thăm dạo này phượt ở đâu mà im hơi lặng tiếng thế J.
Nói tới mấy cái này để nhắc lại 1 điều mà tôi đã đề cập tới ở đầu bài viết : bạn phải biết rõ bạn muốn gì và tập trung mọi nguồn lực cho nó. Chuẩn bị cho MBA là cả một quá trình dài và nhiều khi rất depressing, nếu bạn không thực sự rõ vì sao bạn cần MBA, bạn rất dễ dàng buông xuôi hay trì hoãn. Điều này các bạn trẻ rất dễ vấp phải.

Cảm ơn

Trong công cuộc chinh phục MBA này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Nhiều người trong số họ tôi chưa từng gặp bao giờ, chỉ có USGuide là cầu nối, nhưng tất cả đều đã giúp tôi rất nhiệt tình. Tôi muốn gửi lời cảm ơn ở đây tới các bạn: Hải, mentor của tôi ; Hằng và các bạn khác trong USGuide ; Nhung và Minh Hà ở Carlson ; các bạn học chung trong nhóm GMAT và còn nhiều nhiều bạn nữa đã chia sẻ những thông tin quí báu trên diễn đàn.

Tác giả bài viết: Ms. Huyền bellevie_99