Quy trình tuyển sinh đã quá lỗi thời rồi. Đó là phát biểu của một ứng viên vừa bị từ chối bởi ngôi trường mình yêu thích. Tương tự vậy, một tư vấn viên tại một trường cấp 3 cũng phàn nàn rằng các trường đại học bây giờ không còn đề cao tính sáng tạo, sự quyết tâm hoặc hoạt động phục vụ cộng đồng của ứng viên nữa. Thậm chí ngay cả các nhân viên đến từ các trường danh tiếng cũng cho rằng hệ thống tuyển sinh dạng này đã không còn phù hợp.
Nếu bạn hỏi 5 người làm thế nào để cải thiện hệ thống này, họ sẽ đưa ra 5 câu trả lời khác nhau. Có thể bạn nghĩ rằng các trường đại học đã quá chú trọng vào điểm SAT, tuy nhiên, đối với những người được gọi là “con nhà người ta” với điểm số gần như tuyệt đối lại vô cùng đặt nặng điều này. Theo như một khảo sát mới đây của Gallup, hơn một nửa dân số Mỹ cho rằng các trường đại học không nên ưu tiên con của các cựu sinh viên; tuy nhiên cũng gần một nửa cho rằng đó cũng nên là một yếu tố nhỏ để quyết định.
Màu da có phải là vấn đề khi nộp đơn xin học?
Cuộc cạnh tranh để được vào các trường hàng đầu ngày càng khốc liệt. Bộ Tư Pháp mới đây cho biết họ đang tiếp nhận một vụ kiện bắt đầu từ năm 2015 bởi tập hợp 64 các tổ chức người Mỹ gốc Á về việc phân biệt đối xử với các sinh viên gốc Á đạt thành tích cao. Thêm vào đó, tổ chức “Students for Fair Admission” cũng kiện đại học Harvard, Đại học North Carolina ở Chapel Hill và Đại học Texas tại Austin về việc phân biệt chủng tộc.
Mặc dù Tòa án Tối cao khẳng định rằng năm ngoái các nhân viên tuyển sinh có xem xét các yếu tố về sắc tộc, khảo sát cho thấy đại đa số người Mỹ không đồng tình với các quyết định này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy quyết định này còn nhiều lỗ hổng về pháp lý. Cho dù là gì đi nữa, câu hỏi dai dẳng về việc công bằng trong tuyển sinh sẽ không bao giờ có hồi kết.
Điểm số cao chưa chắc chắn một suất tại ngôi trường mơ ước. Chỉ tiêu tại trường đó là một trong số các yếu tố quyết định.
Một trong các nguyên nhân là việc một số quốc gia không thể đi đến một định nghĩa chung về thế nào là thành tích. Cách đây nửa thế kỉ, Michael Young, một nhà xã hội học người Anh, đã tạo ra cụm từ “meritocracy” để miêu tả một xã hội toàn những người được lựa chọn dựa trên điểm số của các bài thi chuẩn hóa. Tuy nhiên theo như Rebecca Zwich giải thích trong cuốn sách “Who Gets In?”, ý nghĩa đã thay đổi. Cụm từ “merit” có nghĩa là điểm số.
Nhưng đó chỉ là một cách để xem xét sự xứng đáng của một ứng viên. Tiến sĩ Zwich, một giáo sư tại Đại học California ở Santa Barbara, đã nghiên cứu lâu năm tại Educational Testing Service – nơi quản lí bài thi SAT. Bà phản đối tư tưởng rằng chỉ cần làm tốt các bài kiểm tra thì sinh viên nghiễm nhiên có một suất ở trường mình chọn. Theo bà: “Thật ra chẳng có một định nghĩa tuyệt đối nào của từ “merit” cả”
Và các bạn, những ứng viên đầy lo âu, những bậc phụ huynh mệt mỏi, những người dân bối rối, đang băn khoăn các trường đại học muốn gì. Hãy thở thật sâu và chú ý rằng chỉ có 13% các trường đại học 4 năm chấp nhận ít hơn một nửa số ứng viên của mình. Mặc dù vậy, các trường nhận càng ít càng khiến mọi người lo lắng, căng thẳng. Mỗi năm, các trường nổi tiếng hàng đầu thế giới từ chối hàng ngàn ứng viên có tiềm năng.
Đúng vậy, bị từ chối rất khó chịu. Nhưng điều này cũng nói lên rằng: Quá trình tuyển sinh chẳng hề công bằng. Dù có thích hay không, các trường đại học không cố gắng lấy vào các ứng viên xuất sắc chỉ đạt điểm A. Bị từ chối không phải là lỗi do bạn, nó là do tổ hợp của nhiều thứ khác nhau.
Giống như bố mẹ bắt con mình phải làm việc nhà, các trường đại học bắt các nhân viên tuyển sinh phải đạt được một số chỉ tiêu nhất định. Nếu không đạt được các chỉ tiêu này, họ sẽ bị sa thải.
“Chúng tôi cũng chả sung sướng gì đâu – lúc nào cũng cần phải đáp ứng các chỉ tiêu.” Angel B.Perez, Phó phòng tuyển sinh tại Trinity College cho hay: “Chúng tôi là một cơ sở giáo dục, nhưng chúng tôi cũng là một doanh nghiệp.”
Ở nhiều nơi, vấn đề tài chính ảnh hưởng tới khả năng được nhận của ứng viên. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội tư vấn tuyển sinh quốc gia chỉ ra rằng hơn một nửa số trường nói rằng khả năng tài chính của ứng viên có tác động đến quyết định được nhận vào trường. Ngoài ra còn có sự đa dạng về nơi ở, được xem như là một thước đo về độ nổi tiếng của trường (Hiệu trưởng của một vài trường sẽ phàn nàn nếu các tân sinh viên năm nhất không đến đầy đủ từ 50 Bang). Một trường đại học cũng cần một số lượng nhất định sinh viên các ngành kĩ sư.
Nói cách khác, khi một trường đại học chấp nhận 33% tổng số ứng viên, điều này không đồng nghĩa với việc tỉ lệ chọi là 1:3. Thành công phụ thuộc vào những gì ứng viên có. Tuy nhiên, điểm số vẫn luôn là yếu tố được xét đến đầu tiên.
Nhìn chung, không gì quan trọng trong quá trình tuyển sinh hơn là điểm số (cộng với độ khó của chương trình học) và điểm ACT/SAT. Với thời gian và nhân lực có hạn, những thước đo này giúp nhân viên đoán được ai sẽ thành công một cách nhanh chóng. Nhưng nó cũng có những bất lợi. Việc thổi phồng điểm số khiến việc đánh giá trở nên khó khăn hơn, và mỗi trường có một chính sách cho điểm khác nhau. Điểm số các bài thi chuẩn hóa tương ứng với thu nhập gia đình; sinh viên da trắng và người gốc Á thường làm tốt hơn sinh viên da đen và Mỹ Latinh.
Nhiều trường đại học sử dụng phương pháp đánh giá tổng thể.
Điều này giúp trường hiểu rõ hơn về việc học và xác định được những học sinh bất lợi so với các ứng viên khác. Liệu họ học tại một trường không tốt hay một trường uy tín? Họ có tham gia hoạt động ngoại khóa không? Họ có kinh nghiệm lãnh đạo không?
Những gì các trường đại học muốn tìm kiếm phần nào quyết định những thứ quan trọng không chỉ đối với nhân viên tuyển sinh mà còn trong cuộc sống, và học sinh thường làm theo những điều đó.
Những yếu tố ngoài điểm số đang ngày càng được coi trọng.
Tiến sĩ Perez, là người đầu tiên trong một gia đình có thu nhập thấp đi học đại học, mới đây đã cải tiến quá trình tuyển sinh của Trinity để phát hiện những học sinh có tiềm năng nhưng không có lợi thế. Trong khi đọc hồ sơ, nhân viên tuyển sinh của trường thường tìm kiếm 13 yếu tố – bao gồm sự tò mò, lòng cảm thông, dám thay đổi và khả năng vượt qua thử thách – những yếu tố mà các nhà nghiên cứu cho rằng của các sinh viên sẽ thành công sau này. Đây cũng là những phẩm chất mà các trường liberal-arts college trân trọng trong và ngoài lớp học.
Các nhân viên tại Trinity có thể kiểm tra bằng cách sử dụng một list có tên “Predictor of Success”. Họ phải ghi chú lại những bằng chứng cho thấy năng lực của ứng viên. “Đó có thể chỉ là một gợi ý nho nhỏ.” Ông nhớ lại rằng từng đọc một thư giới thiệu của một giáo viên nói rằng học sinh của mình từng ủng hộ một vấn đề trong xã hội trong khi tất cả các học sinh còn lại đều phản đối. Cảm thấy ấn tượng, ông tick vào hộp “Comfort in Minority of 1”.
Các phương pháp đánh giá đang dần được thay đổi.
Trong khi Trinity đề cao các giá trị truyền thống, những phương pháp mới đã ngày càng cải tiến. “Chúng tôi cố gắng công nhận những đặc điểm này của học sinh, đặc biệt là những em gặp khó khăn trong cuộc sống.” Phương pháp mới này, cùng với quyết định của trường trong việc không xem xét điểm ACT/SAT, giúp trường đa dạng hóa các lứa học sinh của mình. Các học sinh đến từ gia đình có thu nhập thấp cũng như thế hệ đầu tiên đi học đại học chiếm 15% tổng số sinh viên năm nhất, nhiều hơn 8% so với ba năm trước đó.
“Chúng tôi đang cố gắng sử dụng nhiều phương pháp hơn, và bỏ đi hệ thống cũ đã lỗi thời. Khi mà đất nước ngày càng trở nên đa dạng, chúng tôi nhận thấy sự liên hệ giữa các bài thi chuẩn hóa và vấn đề tài chính, và chúng tôi phải sáng tạo hơn trong việc tuyển sinh của mình.”
Những điều các trường đại học yêu cầu từ ứng viên đều không tiết lộ nhiều về tài năng cũng như những kĩ năng mà sinh viên có. Nhưng nếu các trường đòi hỏi nhiều hơn thế, thì đó sẽ là những yêu cầu gì?
Quá trình tuyển sinh tại Olin College of Engineering bao trong đó gồm một buổi thực nghiệm. Sau khi vượt qua vòng xét đơn truyền thống, những học sinh được chọn sẽ đến thăm trường tại Needham, Massachusett để tham gia vào một buổi thực nghiệm 2 ngày. Ngoài việc ngồi phỏng vấn, họ sẽ làm việc trong các nhóm nhỏ để hoàn thành một thử thách thiết kế, chẳng hạn như xây một tòa tháp có thể chịu đựng một cân nặng nhất định. Vào ngày thứ 2, họ sẽ nhận một đề bài khác, chẳng hạn như thiết kế một tòa nhà trong trường. Lần này, các chuyên viên sẽ đánh giá từng học sinh và xem cách họ giao tiếp cũng như thích ứng trong quá trình.
Mục đích của việc này là giúp học sinh hiểu được văn hóa hợp tác ở Olin, đồng thời cũng giúp nhân viên có một cách nhìn tốt hơn trước khi nhận sinh viên vào trường. Emily Roper-Doten, Giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính cho hay: “Rất khó để đánh giá tư duy của học sinh từ một bộ hồ sơ đơn thuần. Việc thực nghiệm này giúp chúng tôi có một cái nhìn thực tế hơn.”
Với mong muốn xem học sinh có thể làm gì với các thay đổi trên thế giới hiện này, Học viện công nghệ Massachusetts cho ứng viên lựa chọn nộp một bộ hồ sơ các sáng chế của mình để chứng tỏ sự sáng tạo. Ứng viên có thể gửi hình ảnh, video ngắn và 1 file PDF miêu tả đề tài họ đang thực hiện – có thể là thiết kế thời trang, ứng dụng, hoặc thậm chí là bánh, đồ nội thất. MIT cũng yêu cầu học sinh giải thích ý nghĩa của đề tài, và họ có được giúp đỡ hay không. Một hội đồng sẽ xem xét những đề tài này.
Năm ngoái, khoảng 5% các ứng viên nộp hồ sơ này. Stuar Schmill, Trưởng ban tuyển sinh và tài chính cho hay: “Nó giúp chúng tôi có một cái nhìn toàn diện hơn về sinh viên. Không có lựa chọn này, nhiều ứng viên sẽ không thể hiện hết được bản thân mình.”
Tuy nhiên những phương pháp đánh giá kiểu mới lại rất mất thời gian.
Thử nghiệm của MIT đã dấy lên một làn sóng tranh luận giữa các nhà tuyển sinh, một vài nói rằng họ sẽ áp dụng phương pháp tương tự. Họ cho rằng phương pháp này là một cái nhìn thú vị. Tuy nhiên: Xem xét các hồ sơ kiểu này rất tốn thời gian. Thậm chí một trường nhỏ như Olin, mỗi năm chỉ tuyển hơn 100 sinh viên rất vất vả với phương pháp này. Các trường lớn hơn có thể còn không xem xét phương pháp này.
Việc xem xét kĩ lưỡng đã trở nên ngày càng khó khăn trong vòng 1 thập kỉ qua, với việc ngày càng nhiều ứng viên nộp đơn vào các trường nổi tiếng. Đại học California ở Los Angeles nhận hơn 100000. Stanford nhận 44000 đơn và MIT nhận hơn 20000 đơn.
Đa phần các trường đang tìm các phương pháp hiệu quả hơn để cải thiện quá trình đánh giá. Hiệp hội Coalition for Access, Affordability and Success với hơn 130 trường thành viên vừa đưa ra một nền tảng ứng dụng với các tủ khóa ảo, giúp học sinh có thể tải lên các tàil iệu cũng như video để thêm vào hồ sơ của mình. Việc này nhằm mục đích giúp quá trình tuyển sinh trở nên cá nhân hơn.
Cho tới nay, phần lớn các trường thành viên chưa yêu cầu ứng viên phải gửi thêm gì. Nhưng điều đó có thể thay đổi. Một số các trường đại học đang dự định thử nghiệm các biện pháp thay thế. Một trong số đó là đánh giá chỉ số EQ, để đánh giá khả năng làm việc nhóm của ứng viên. Một cách khác là tìm cách để học sinh có thể thể hiện sự nhiệt huyết của mình.
“Chúng tôi muốn đầu vào tốt hơn”. Jeremiah Quinlan, trưởng phòng tuyển sinh và hỗ trợ tài chính tại Yale cho hay: “Chúng tôi có thể dự đoán về khả năng học thuật của học sinh. Bây giờ chúng tôi có thể hiểu học sinh từ các khía cạnh khác.”
Cũng như nhiều cán bộ tuyển sinh khác, ông Quinlan cảm thấy những bài văn đánh bóng tên tuổi học sinh quá dài dòng, không cần thiết, “Họ cảm thấy họ phải phô trương ra bởi vì chúng tôi rất khó tính, và điều đó là hoàn toàn dễ hiểu.” Công nghệ có thể giúp các trường hiểu được sinh viên hơn là việc đọc CV, có thể hiểu được đam mê của họ, hiểu được cộng đồng mà họ là thành viên.
Năm ngoái, Yale cho phép học sinh sử dụng hệ thống nêu trên để nộp tài liệu, hình ảnh, âm thanh hoặc video cho một đề bài (bên cạnh viết một đoạn văn ngắn dài 250 chữ). Khi Justin Aubin biết được điều này, cậu đã vô cùng sung sướng.
Aubin đến từ Oak Lawn, Illinois, là một học sinh có ước mơ được vào học ở Yale. Đề tài sau khiến cậu chủ ý: “Cộng đồng của bạn và dấu chân bạn đã để lại đó.” Cậu nộp một đoạn video ngắn ghi lại dự án hướng đạo của mình, khi cậu giám sát việc xây dựng của một tượng đài tưởng nhớ các cựu chiến binh. Ngay cả một bài văn viết kĩ càng không thể lột tả hết được trải nghiệm này.
Nội dung của đoạn video đã gây ấn tượng đối với hội đồng tuyển sinh ở Yale. “Mọi người đều đánh giá cao khả năng lãnh đạo của cậu ấy và chúng tôi cảm giác chúng tôi có thể hiểu rõ cậu hơn những gì chúng tôi có từ thư giới thiệu.”
Aubin bây giờ đã là sinh viên năm nhất tại Yale.
Có khá nhiều yếu tố cản trở việc đổi mới quá trình tuyển sinh.
Đầu tiên là chế độ ưu tiên con của cựu sinh viên.
Thậm chí ngay cả khi các trường muốn đổi mới, họ phải xem xét thử giai đoạn nào họ muốn bỏ đi trong quá trình tuyển sinh. Một vài vấn đề đang ngăn cản những sự thay đổi này.
Dành ưu ái cho con cái của cựu sinh viên học tại trường là một trong các vấn đề này. Một vài trường nhận con em của các cựu sinh viên nhiều hơn là những người không phải là cựu sinh viên. Con số này chiếm ⅓ tổng số học sinh năm nhất của Harvard. Tương tự vậy, con số này ở Princeton là 13%.
Trong khi một vài các trường nổi tiếng, chẳng hạn như Đại học Georgia và Texas A&M, đã ngừng phương án tuyển sinh này từ hơn 1 thập kỉ trước, đa phần các trường đại học sẽ khó mà bỏ đi sự ưu tiên này. Rick Clark, giám đốc tuyển sinh tại Georgia Tech, nơi mà ⅕ số sinh viên năm đầu là con của cựu sinh viên cho hay: “Tôi không nghĩ đây là một vấn đề nghiêm trọng, bởi vì các trường đại học phải tính đến con đường lâu dài.”
Lợi ích của việc này không chỉ nằm ở việc duy trì mối quan hệ tốt với các cựu sinh viên sẵn sàng đóng góp cho trường. Theo như kinh nghiệm của ông Clark, đây thường là những sinh viên tích cực, giúp tạo ra các cộng đồng trong trường, tạo ra những mối quan hệ khiến các sinh viên khác cảm thấy như mình đang ở nhà.
Tiếp sau đó sự đánh giá mức độ quan tâm của học sinh đối với trường đại học mà họ ứng tuyển .
Một vài biện pháp khác được sử dụng bởi các trường đại học khác không liên quan gì đến thành tích của sinh viên. Một trong năm cơ sở giáo dục đặt nặng lên hứng thú của học sinh đối với trường. Sự biểu hiện rõ ràng nhất nằm ở các đợt nộp đơn sớm ràng buộc (binding early decision), một chính sách ưu tiên các sinh viên có điều kiện không cần phải so sánh mức hỗ trợ tài chính của các trường với nhau.
Hơn thế nữa, công nghệ giúp các trường theo dõi được số lần tương tác của ứng viên đối với trường (thông qua việc đến thăm trường, liên lạc với các nhân viên tuyển sinh, trả lời email). Đây là những thông tin quan trọng giúp cán bộ tuyển sinh đánh giá xem ai muốn học ở trường.
Vấn đề đặt ra là có nhiều học sinh tinh ý biết được các trường đang theo dõi mình nên có thể xoay chuyển tình thế, bà Nancy Leopold, giám đốc điều hành của CollegeTracks, một tổ chức phi lợi nhuận ở Maryland giúp đỡ học sinh khó khăn cho hay: “Việc này rất không công bằng đối với các em không biết điều này, hoặc không có thời gian, tiền bạc để làm điều này.”
Vậy các trường đại học chú trọng vào điều gì? Câu trả lời còn tùy thuộc vào đối tượng mà trường muốn nhắm đến. Các trang hướng dẫn như US News & World Report chú trọng vào giá trị học thuật như điểm ACT/SAT và tỉ lệ chấp nhận vào trường. Một chủ tịch của trường đại học có thể muốn có thêm những người suy nghĩ sáng tạo, nhưng việc làm đó không giúp nâng hạng của trường.
Các trường đại học đang cố gắng cải tiến phương pháp tuyển sinh hướng đến sự công bằng.
Nhìn chung, các trường đại học luôn tránh rủi ro. “Thách thức đối với các trường đại học là thay đổi, tuy nhiên thay đổi làm sao để không ảnh hưởng đến uy tín của trường”- bà Roper-Doten cho biết.
“Các trường đại học cần sự công nhận” – Lloyd Thacker, giám đốc điều hành của Education Conservancy, một tổ chức phi lợi nhuận muốn cải tiến hệ thống tuyển sinh đại học cho hay: “Nếu như không có một động lực nào, các trường đại học còn lâu mới thay đổi quá trình tuyển sinh của mình.”
Một chiến dịch mới đây của trường Giáo dục Harvard mang tên “Turning the Tide” đang yêu cầu các trưởng khoa suy nghĩ lại về các tiêu chí đánh giá ứng viên. Trong một báo cáo được kí bởi đại diện của 200 trường, các trường đại học được yêu cầu đề cao đạo đức trong quá trình tuyển sinh. Mặc dù một vài trưởng khoa nói rằng họ không có quyền đánh giá tính cách của người khác, áp lực này đã khiến nhiều trường thay đổi đơn đăng kí của mình. Đại học North Carolina hiện nay đã nhấn mạnh vào việc đóng góp cho cộng đồng khi hỏi về hoạt động ngoại khóa. MIT thêm một bài luận yêu cầu học sinh miêu tả cách họ đã giúp đỡ người khác.
Richard Weissbourd, một giáo sư tại Harvard cho rằng các trường phải thay đổi lại cách phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Nhiều học sinh không có nhiều cơ hội cho việc phục vụ cộng đồng, họ phải chăm sóc anh chị em, phải làm thêm để giúp đỡ gia đình. Các trường cần phải chỉ ra rằng điều đó cũng rất quan trọng.”
Cuối cùng thì việc tăng cường sự đa dạng sắc tộc và kinh tế ở các trường đại học tùy thuộc vào mỗi trường. Một trường có thể ưu tiên việc đó hay không, giáo sư Shaun R. Harper của Đại học Souther Califfornia cho hay. Vào tháng 9, giáo sư Harper có một bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tư vấn tuyển sinh đại học quốc gia ở Boston. Ông yêu cầu các khán giả phải suy nghĩ kĩ về bất bình đẳng sắc tộc và những việc bạn vô tình đã làm để cổ xúy điều đó.
Ông đưa ra những ví dụ như nhân viên tư vấn tuyển sinh trường cấp 3 không ủng hộ việc các học sinh thiểu số nộp đơn vào những trường top; các nhân viên tuyển sinh chỉ tập trung tuyển tại 1 trường qua bao nhiêu năm, bỏ qua những học sinh thiểu số khác. Khi Tiến sĩ Harper nói xong, người nghe vỗ tay đồng loạt. Ông kết luận bằng một lời phê bình việc thiếu sự đa dạng sắc tộc thậm chí ngay cả giữa những giám đốc tuyển sinh. Trong bài phỏng vấn sau đó, Tiến sĩ Harper nói rõ hơn về mối quan tâm của mình: “Khi mà thành phần sắc tộc ngay cả trong ngành còn không thay đổi thì rất khó để có một sự thay đổi toàn diện.”
Mặc dù Tiến sĩ Harper tin rằng các trường đặt nặng quá nhiều vào điểm ACT/SAT, ông nói rằng vấn đề xảy ra thậm chí trước khi quá trình tuyển sinh bắt đầu. Các trường đại học phải làm nhiều hơn để động viên các học sinh thiểu số nộp đơn.
Tiến sĩ Perez tại Trinity cũng có những băn khoăn tương tự. Mặc dù ông tin rằng quá trình tuyển tuyển chọn có thể được cải tiến thành công, ông không nghĩ nó sẽ giải quyết được vấn đề quan trọng nhất: “Đó là vấn đề tiền bạc. Nếu tôi có nhiều tiền hơn, trường tôi sẽ đa dạng hơn. Cuộc hội thoại mà chúng tôi chưa bao giờ có là: Làm sao để giúp đỡ các trường về mặt tài chính?”
Tuy nhiên quy trình tuyển sinh sẽ phát triển, và nó chắc chắn sẽ tiếp tục phục vụ nhu cầu của các trường đại học. Cho dù nếu có ai đó phát minh ra được một cách công bằng hơn để đánh giá tiềm năng của các ứng viên, nhu cầu của các trường sẽ không thay đổi. Các trưởng khoa sẽ vẫn tìm kiến sự cân bằng bằng cách tuyển sinh đa dạng tầng lớp các sinh viên.
Marie Bigham, giám đốc tư vấn tuyển sinh tại Isidore Newman School ở New Orleans cho hay: “Cái mà khiến các trường thay đổi chính là sự không bằng lòng. Nếu họ chỉ đưa ra những thay đổi nho nhỏ, điều đó có nghĩa là họ đang bằng lòng với hiện tại.”
Câu hỏi đặt ra trong thời đại bất bình đẳng xã hội. Một vài trường top hiện này tuyển sinh nhiều hơn từ top 1% thu nhập cao hơn là top 60% thu nhập thấp. Phải chăng điều đó xảy ra có liên quan đến lỗ hổng trong hệ thống giáo dục phổ thông?
Joe Boeckenstedt, phó chủ tịch tại Đại học DePaul cho rằng các trường điểm có khả năng thay đổi lại quy trình tuyển sinh. “ Chỉ đến khi có gì đó được thay đổi từ các trường top trên, nếu không, sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Đó là bởi vì có các trường chỉ bắt chước theo cách làm của những trường Ivy League.”
Người dịch: Nguyễn Hữu Hoàng Hải
Nguồn: The New York Times
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.