Hành trình chiến thắng Covid-19 của nữ du học sinh Việt tại Nga

Dù đã may mắn chỉ nhiễm bệnh mức độ nhẹ và chiến thắng Covid-19, nhưng Thu Hương thừa nhận mình không còn khỏe mạnh được như trước.

Nguyễn Thu Hương là du học sinh khoa Du lịch của trường Đại học Kinh tế Saint Petersburg (UNECON). Thu Hương không may mắc Covid-19 vào khoảng cuối tháng 6 vừa rồi, thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh tại Nga.

Nữ sinh cho biết, cô phát hiện mình có triệu chứng đầu tiên (đau họng) vào ngày 23/6, sau đó bắt đầu cảm thấy mệt, mỏi người, hắt hơi, sổ mũi. Cô quyết định test và có kết quả dương tính vào ngày 27/6.

“Mình sử dụng dịch vụ test của phòng lab chuyên về Covid-19 và được khuyên dùng trên toàn nước Nga nên kết quả hoàn toàn đảm bảo và chính xác. Sau khi có kết quả dương tính, mình đã báo với ban quản lý Kí túc xá trường và được sắp xếp một phòng riêng ngay tại kí túc để cách ly. Một bạn cùng phòng của mình tuy đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin cũng dương tính sau đó chỉ vài ngày” – Thu Hương cho biết.

Đến giờ khi kể về quãng thời gian chống chọi với dịch bệnh, Thu Hương vẫn nhớ chính xác thời điểm nhận kết quả dương tính và cảm xúc lúc bấy giờ.

Nữ sinh kể lại: “Ban đầu mình không quá sốc và sợ hãi, cố giữ cho bản thân thật bình tĩnh, lạc quan vì xung quanh cũng có rất nhiều bạn đã từng dương tính và chữa khỏi rồi.

Nhưng vì mọi người xung quanh lo lắng cho mình rất nhiều, bố mẹ và gia đình cũng lo sợ vì mình bị bệnh khi chỉ có một mình nơi đất khách quê người, gia đình lại ở xa không thể chăm sóc hay giúp đỡ.

Khi đối diện với sự lo lắng của gia đình và bạn bè, mình mới bắt đầu thấy sợ hãi, khóc rất nhiều vì không biết mình có bị nặng hơn vào những ngày tiếp theo không. Mình cảm thấy buồn vì đang ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Ngoài ra, mình thấy bất lực vì có nhiều dự định muốn thực hiện sau khi thi xong nhưng vì bị bệnh nên không biết bao giờ mới có thể thực hiện được”.

Tuy vậy, Thu Hương cho biết cô khá may mắn vì đã được tiêm một mũi vắc xin trước đó hai tuần, bản thân có thể lực tốt, không có bệnh nền nên chỉ bị bệnh ở mức độ nhẹ. Trong suốt quá trình cách ly và chữa bệnh, Thu Hương vẫn khá tỉnh táo và được bạn bè giúp đỡ nên khá thuận lợi.

“Mình bị ho và hụt hơi cho đến gần một tháng sau. Khi đi ngủ vào buổi tối thì bị rát ở phần cuống phổi khi thở, tuy vẫn thở được nhưng rất khó chịu. Ngoài ra, mình bị mất mùi, mất vị giác khoảng 60% và gặp khó khăn trong việc ăn uống do bị chán ăn. Các triệu chứng khác giống bệnh cúm nhưng nhẹ hơn, mình vẫn đủ sức khỏe và sự tỉnh táo để quay vlog kỉ niệm, làm bài thi online cuối cùng của năm 3 và đi lại, tự mình sinh hoạt cá nhân.

Phòng cách ly khá đầy đủ tiện nghi vì đó là một phòng trống phục vụ chữa bệnh của trường ở ngay trong kí túc xá nên thuận lợi để bạn bè giúp mình mua đồ ăn thức uống, nhu yếu phẩm và thuốc men. Thời điểm đó, ở Nga bùng dịch trở lại nên bác sĩ chỉ đến kê thuốc một lần và mình phải nhờ bạn bè đi mua thuốc theo đơn đó, tự điều trị tại nhà” – cô cho biết.

Từ thời điểm Thu Hương có triệu chứng đầu tiên đến khi có kết quả âm tính là tròn 14 ngày, tuy nhiên đến ngày thứ 10 điều trị, cô đã cảm thấy khỏe hơn nhiều và không có triệu chứng mới. Sau khi có kết quả âm tính, việc đầu tiên Thu Hương làm là đi dạo, tận hưởng không khí vào mùa hè trong lành và dễ chịu, bởi bầu không khí trong phòng cách ly rất bí bách, ngột ngạt.

Nữ sinh nhớ lại: “Cảm giác khi nhận kết quả âm tính còn hồi hộp, vui sướng, vỡ òa hơn cả khi đỗ Đại học. Tuy vậy, mình mất kha khá thời gian để có thể trở về trạng thái cũ, cố gắng ăn uống bình thường trở lại và duy trì trạng thái sức khỏe như trước đây.

Tuy đã âm tính nhưng dư âm của bệnh những ngày sau đó vẫn sẽ còn lại ít nhiều. Ngoài ra, mình cũng cố gắng làm nhiều những việc yêu thích trong khả năng sức khỏe cho phép, để bản thân “bận rộn” hơn, quên đi cảm giác mình từng bị bệnh, cũng như để bản thân không chây ì, rơi vào trạng thái “chững” sau bệnh.”

Hương cho biết, trải nghiệm mắc Covid-19 không phải điều quá tệ nhưng chưa bao giờ là điều cô mong muốn “được” thử qua. Cô trở nên đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, chăm sóc bản thân cẩn thận hơn, ý thức được sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi người. Của cải mất đi còn có thể làm lại, nhưng sức khỏe thì không.

Hiện nay tại Nga, mọi thứ đang dần trở nên ổn định hơn sau đợt bùng phát dịch hồi cuối tháng 6. Việc tiêm vắc-xin đã trở nên phổ biến hơn trước và các trường đại học đang khuyến khích sinh viên tiêm vắc xin để có thể sớm quay lại hình thức học offline chính khóa như bình thường. Thu Hương đang dành thời gian nghỉ hè để du lịch, thăm thú nước bạn, trau dồi kĩ năng quay phim, chụp ảnh, edit video và học thêm những kiến thức mới trước khi bước vào năm học cuối cấp.

Khi được hỏi về kinh nghiệm của mình, nữ sinh cho rằng việc đầu tiên mà ai cũng phải làm để phòng bệnh đó là tiêm vắc xin để giảm nguy cơ nhiễm khá nhiều và ngay cả khi nhiễm bệnh, các triệu chứng cũng sẽ nhẹ và bớt nguy hiểm hơn. Tiếp theo là tuân thủ những quy định phòng, chống lây nhiễm một cách nghiêm túc.

Nếu không may nhiễm virus, việc cần nhất là người bệnh phải lạc quan và tích cực. “Trong thời buổi đại dịch thì người bệnh chắc chắn sẽ rất sợ hãi. Không nhất thiết phải cố ép bản thân vui vẻ nhưng hãy tin vào những điều tích cực, tốt đẹp và bạn sẽ khỏi bệnh. Nên ăn uống như bình thường, uống thật nhiều nước và bổ sung dưỡng chất.

Đặc biệt, người bệnh luôn giữ nơi ở được sạch sẽ, mát mẻ và thông thoáng khí, luôn giữ bản thân trong một trạng thái thoải mái, yên tâm và lạc quan. Sau khi khỏi bệnh, không nên trở về nhịp độ cuộc sống trước đây quá nhanh mà nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, và tiếp tục một số biện pháp phòng chống bệnh do cơ thể còn yếu. Nếu tất cả mọi người đều đoàn kết chung tay phòng chống dịch thì chắc chắn dịch sẽ qua nhanh” – Thu Hương chia sẻ.

Hồng Minh

See full story on Hành trình chiến thắng Covid-19 của nữ du học sinh Việt tại Nga | Báo Dân trí

Curated from dantri.com.vn