Du học sinh gửi áo quần “mốc meo” về phải nộp phạt?

Du học sinh gửi áo quần “mốc meo” về phải nộp phạt? Kinh nghiệm xương máu của một du học sinh đã phải đối diện với nhiều rắc rối vô cùng nhiêu khê trong khâu gửi hành lí theo đường chuyển phát nhanh về Việt Nam. 

Hotcourses xin trích đăng lại câu chuyện mà nhân vật đã chia sẻ trên Facebook cá nhân:

“Chuyện là vậy nè! Khoảng đầu tháng 2, trước khi về Việt Nam một tuần, mình có gửi trước quần áo, sách vở và đồ dùng về trước qua đường bưu điện. Trong 5 kiện hàng mình gửi EMS (chuyển phát nhanh đường hàng không, khoảng một tuần đến 10 ngày là hàng về đến Việt Nam) về có 3 kiện là quần áo, một kiện giày và một kiện là accessories (phụ kiện).

Lúc gửi mình không viết tên người gửi là mình, vì ở bưu điện bảo là phải viết địa chỉ có người ở để nếu trên đường đi, hàng hóa có vấn đề không đi tiếp được sẽ được gửi trở về địa chỉ người gửi. Thế nên mình viết địa chỉ của một chị bạn đồng hương.

Thế là mình về Việt Nam và… chờ quần áo về để mặc. Ngay lúc về lại nhận được tin hàng của mình có vấn đề, phải điện thoại cho một chị nào đó ở Tp Hồ Chí Minh để biết rõ hơn. Hôm sau gọi điện thì chị đó nói là hàng của mình quá cũ, quần áo đã nổi mốc meo nên không cho nhập vào Việt Nam, bị giữ lại đâu đó “chỗ mấy anh đó”.

Bây giờ mình phải chứng minh được chỗ hàng đó là hàng của mình (là du học sinh) về nước không phải với mục đích buôn bán. Cơ bản là phải chứng minh mình là du học sinh. Sau đó nếu đã chứng xong thì chỉ có thể đến và chọn ra “mấy cái còn mặc được mà không có bị mốc”, còn lại “bỏ”. Nếu muốn lấy phải nộp phạt.

Lúc đó đã giáp Tết, có muốn đi Tp Hồ Chí Minh cũng phải sau Tết lâu mới đặt được vé máy bay đi được vì thời gian trước và sau Tết thường hay cháy vé máy bay.

Vậy là 2013 đã đến với mình mà không có quần áo mặc ra đường. Hành lý xách tay về nhà chỉ có 3 bộ quần áo mặc tạm, còn lại là quần áo thun mặc ở nhà. Có điều vui là mình về được mấy ngày thì kiện quần áo nho nhỏ (chỉ có khăn quàng cổ, áo khoác mỏng và mấy cái gi-lê) và kiện giày về, còn 3 kiện kia ở lại với lý do trên. Trong khi cái kiện khăn quàng cổ nó có khác gì hai kiện quần áo với kiện accessories kia đâu mà lại được cho qua. Thậm chí mấy cái khăn quàng đó còn “mốc meo”, “ố vàng” hơn cả 2 kiện quần áo quan trọng kia của mình.

Ai mà biết tính mình thì sẽ biết mình giữ quần áo rất kỹ, cả những quần áo không hoặc ít khi mặc chứ đừng nói đến hai kiện quần áo kia toàn là đồ quan trọng: áo vest mình mua về Việt Nam đi làm, áo khoác, áo sơ mi rồi quần jeans… Có chăng là đồ mùa hè mình mặc xong cất lâu trong tủ, đến mùa đông mới lấy ra để gửi về nên có mùi của tủ mà thôi. Mà xưa nay có biết gì về vụ du học sinh về Việt Nam gửi hàng về thì phải khải báo trong “tờ giấy xanh xanh” lúc làm thủ tục nhập cảnh đâu! Giờ tanh banh vậy đó!

Trong nhà mình có chú làm ở Tp Hồ Chí Minh. Tết chú về quê tất niên, bố mình có nhờ chú chuyện này. Vậy là mình phải đi làm các giấy tờ như là thẻ học sinh, bảng kết quả học tập để gửi vào cho chú, đặng chú đi nhận hàng về cho mình.

May là chị bạn mình còn giữ hóa đơn của 5 kiện hàng mình gửi (vì khi gửi hàng đi, hóa đơn đó có ghi nội dung kiện hàng, cân nặng, số tiền phải trả, người gửi, người nhận… được sao làm 3 bản: 1 bản bưu điện giữ, 1 bản người gửi giữ và 1 bản dán trên kiện hàng). Nhưng bên “chỗ mấy anh đó” nói vì người gửi không khớp với hóa đơn nên không chấp nhận. Và thế là chú mình có đi “vận động hành lang”, làm “công tác tư tưởng” một lúc xong cũng nguôi ngoai. Xong phải đóng cả tiền phạt (vì muốn lấy hết đồ mốc meo về mà), cả đóng thuế và cước vận chuyển để chuyển về nhà mình nữa. Đến trưa nay thì hàng về, mình tháo tháo gỡ gỡ một hồi và bồi hồi nhận lại đống đồ thân thiết. Mãi sau ngớ ra, tìm mãi mấy cái áo dễ thương mới mua hôm hè chả thấy đâu…

Trong bài viết trên Facebook của mình, G. cũng đã dành một phần cuối để chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có ý định gửi hành lí về bằng đường chuyển phát nhanh:

  • Khi gửi hàng, luôn ghi tên người gửi là mình, còn lại địa chỉ người quen cũng được. Luôn giữ hóa đơn thanh toán của bưu điện theo mình.
  • Lúc làm thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh, nhớ tìm cái “giấy màu xanh xanh” đó khai báo đầy đủ số kiện hàng gửi theo đường bưu điện/hàng không/tàu biển, cùng hoặc không cùng chuyến bay của mình.
  • Sau này nếu hàng của bạn có bị vấn đề gì, mang hết giấy tờ đó đến nơi bạn cần đến và làm thủ tục chứng minh rồi nhận hàng về. Tùy hàng bạn có vấn đề hay không mà có nộp phạt (hoặc nộp các khoản “phát sinh” khác) không nhé! Như mình là vì quần áo “mốc meo” nên nộp phạt rồi nè! Tốt nhất nếu gửi hàng quần áo, trước khi gửi cứ giặt quần áo một lượt, xả nước thơm tho sạch sẽ rồi đóng thùng gửi !!!
  • Cầu trời đừng có cái gì mất! Có mất thì cũng “của đi thay người” cả thôi.

Chúc các bạn may mắn!!!

Mình cũng chúc mình may mắn thôi, mình vẫn còn sách vở cả đồ dùng nấu ăn gửi qua đường biển chưa về tới nơi!

G.

Trang Ami – Hotcourses.vn