Hôm nay mình đã có thể ngồi thư giãn và viết ra mấy dòng tâm sự này. Mình sinh năm 85, cái tuổi không còn quá trẻ để sống hết mình với mục tiêu du học nữa. Mình cũng đã có gia đình và con nhỏ, xung quanh đồng nghiệp và người thân không ai đi du học, lại càng ko ai săn học bổng nên mình giống như 1 chiến binh đơn độc chẳng có lấy một vũ khí. Từ một người còn không có khái niệm “săn học bổng”, nhờ có box du học của TTVNOL, mình đã trở thành một thợ săn với ba học bổng chính phủ (DAAD, CUD, BTC và 1 Reserve List (AAS).
Không phải mình muốn khoe, vì mình biết trong box cũng có nhiều bạn được 2-3 học bổng liền. Mình muốn nói lời cảm ơn chân thành đến những người đã tâm huyết chia sẻ kinh nghiệm cho box! Và vì thế mình muốn kế tiếp họ, chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho lớp đàn em tiếp tục được bay cao bay xa!
1. Thất bại là mẹ thành công! Mình cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đầu năm 2013, mình lần đầu tiên nộp HB AAS và bị trượt. Lý do đơn giản: quá thiếu kinh nghiệm, thư giới thiệu viết chung chung, supporting ideas (phần nộp online) quá đơn giản, thậm chí gạch đầu dòng. Trượt từ vòng hồ sơ luôn. Mình nghĩ chỉ có người cực kỳ xuất sắc và được hỗ trợ nhiều mới có thể thành công ngay lần đầu tiên. Vì thế ai đó vừa trượt mùa apply năm nay, xin đừng nản lòng nhé!
2. Học hỏi kinh nghiệm và lên lịch: Mình lao vào đọc các kinh nghiệm đã post trên mạng. Vào thread: “Học bổng toàn phần tất cả các ngành học” của box và đọc gần hết các đường link đó. Mình chọn những học bổng phù hợp nhất và ghi lịch deadline từng cái. Xem mỗi cái cần những hồ sơ gì. Mình rất tâm đắc với chia sẻ của bạn Tung Kelvin, bài “Chia sẻ kinh nghiệm apply một số học bổng châu Âu” của bạn Basilisk, ” Động lực để rải tiếp hồ sơ..” của bạn idoclo và nhiều bài viết khác nữa! Các bạn chia sẻ rất chi tiết, cảm ơn các bạn rất nhiều
3. Chuẩn bị hồ sơ:
Phần này mình sẽ không viết kỹ về việc chuẩn bị hồ sơ vì nhiều bạn đã chia sẻ rồi, mình sẽ chỉ nói 1 mẹo nhỏ thôi: Mình làm nhiều hồ sơ 1 lúc để khi cần thì lôi ra nộp là xong:
– Thư giới thiệu: Mỗi HB cần thư của ai, mấy chiếc, mình liệt kê sẵn và soạn sẵn và để ngày ký hợp lý với deadline HB để xin chữ ký 1 thể luôn. Mỗi lần gặp thày cô/giám đốc đâu có dễ! Thế là mình có đủ bộ thư giới thiệu cho 5 học bổng sẽ nộp! Ngành học tương tự nhau và mối quan hệ của mình với người giới thiệu không thay đổi nên chỉ cần chỉnh sửa thư 1 tý là có thể nộp cho các HB khác nhau rồi. Cách viết thư của mình áp dụng đúng tinh thần IELTS speaking khi tả người: Cứ 1 phẩm chất tốt là phải có 1-2 câu chứng minh bằng thực tế. Ví dụ: thông minh (nêu KQ học tập, sáng tạo gì đó cụ thể) chăm chỉ (đi sớm về muộn…) năng động (tham gia tình nguyện, viết báo..) Phẩm chất tốt bạn chọn cho mình phải là phẩm chất cần thiết cho ngành học của bạn. Tuy nhiên hai phẩm chất mình cho là quan trọng mà ngành nào cũng cần: kỹ năng teamwork/organization và leadership. Mỗi thư của mình gồm: 3 phần:
+ Quan hệ người giới thiệu với ứng viên, lý do ấn tượng ban đầu với ứng viên
+ Phẩm chất của ứng viên: 2-3 phẩm chất + chứng minh
+ Thành tích đã đạt: 2-3 thành tích. Nếu con số cụ thể nhé. Số lớp/số bài báo/công trình/dự án
Mỗi HB 2 thư, nội dung khác nhau để phối hợp nhau, như vậy bạn sẽ có 4-6 phẩm chất và 4-6 thành tích. Theo mình thế là quá đủ để bạn trở thành 1 ứng viên nặng ký rồi!
– Bài luận: vai trò và độ quan trọng của nó thì ai cũng biết. Bạn hãy nếu lý do và lập plan thật chặt chẽ cho mình nhé. Có thể nhờ 1 scholarship holder gợi ý cho thì càng tốt. Mình cũng phải nhờ 1 người bạn giúp cái đầu tiên. Sau đó những cái tiếp theo mình chỉ phải e*** 1 chút thôi!
– Công chứng 1 loạt bằng cấp. Cả bằng khen của ĐH và cơ quan nhé. Nhiều khi bằng khen xoàng thôi nhưng bạn cứ nộp hết! Chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện nữa. Mình công chứng khoảng 5-10 bản mỗi loại, tốn tầm 2tr!
4. Nộp hồ sơ và phỏng vấn
Mình sẽ trình bày 1 số điểm lưu ý của các HB mình đã nộp:
a) Học bổng DAAD của Đức: có hướng dẫn trên trang web đại diện ở VN. Tải các mẫu có sẵn rồi điền vào thôi. Bạn còn phải vào web của trường, xem có đơn riêng của trường hay có cần đề cương nghiên cứu không, nếu có phải nộp cùng luôn. Nộp 1 bộ gốc + 2 bộ sao cho VP đại diện ở ĐH Bách Khoa, có thể hoặc không cần nộp 1 bộ gốc cho trường nữa. Có mấy lưu ý: Chứng chỉ IELTS phải qua nơi bạn thi để gửi cho trường nhé! Họ ko nhận bản sao công chứng! Đề cương chỉ để đánh giá khả năng của bạn thôi chứ ko phải bạn phải thực hiện nó khi sang học!
Khoảng tháng 7 nộp hồ sơ, tháng 1 sang năm sẽ có admission của trường rồi sau đó nếu hồ sơ được chọn, sẽ có 1 đại diện của trường liên hệ với bạn để phỏng vấn qua Skype nhé! Phỏng vấn đơn giản thôi, họ muốn biết bạn có trung thực khi nộp hồ sơ không. Vì đến giai đoạn này thì gần như chắc chắn đc HB. Phía đại diện của trường cũng ko muốn loại bỏ bạn làm gì. Sau đó 1 tháng bạn nhận đươc email báo OK! Rồi 1 tháng sau sẽ nhận được letter of award ở VP ở Bách Khoa. Thế là xong. Làm visa ở ĐSQ siêu nhanh và nice! Bạn sẽ phải tự mua vé máy bay (họ sẽ thanh toán sau) và khám SK (khoảng 2tr) và làm visa (miễn phí).
Giá trị học bổng là 750E/tháng + Học phí/bảo hiểm. Tiền thuê nhà ở Đức tầm 300E, ăn 200E. Bạn sẽ học tiếng Đức online từ tháng 4-6. Sang tháng 8 đến Đức học tiếng Đức tiếp gần 2 tháng nữa rồi mới nhập học.
b) Học bổng CUD (Bỉ): nộp từ tháng 9 đến tháng 2 sang năm. Nộp qua bưu điện, bạn nên chọn DHL vừa nhanh vừa bảo đảm. Khá nhiều thời gian để chuẩn bị. Hồ sơ đơn giản, chỉ có 1 application form và 1 số bằng cấp. Trong application form có phần motivation, hãy đầu tư kỹ nhé. Ngoài bằng ra bạn cần có hợp đồng lao động và thư xác nhận sẽ tiếp tục thu nhận bạn sau khi học xong của GĐ. 2 điều lưu ý: Bằng ĐH cần công chứng sang tiếng Anh và tiếng Pháp nhé + bạn nên khai biết 1 chút tiếng Pháp. Hồ sơ chỉ xét duyệt không phỏng vấn. Đến cuối tháng 5 sẽ có email báo “selected” là OK rồi đó! Bạn sẽ được họ mua vé máy bay cho. Chỉ phải khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp và visa (cũng khá nhanh).
Giá trị học bổng là 860E/tháng + Học phí/bảo hiểm + phòng ở KTX giá trị 375 E +62 E/chồng/con nữa + một số khoản nhỏ khác. Tiền thuê nhà ở Bỉ tầm 300-400E, ăn 200E.
c) Học bổng song phương Việt Bỉ (BTC): nộp từ tháng 9-đầu tháng 12. Hướng dẫn đã ghi đầy trên website của ĐSQ. Họ có 1 số ngành ưu tiên nhưng bạn cứ tự tin nộp ngành khác nhé. Mình cũng ko được ưu tiên nhưng vẫn thành công. Hình như nộp 1 bộ gốc và 2-3 bộ sao, cho chung 1 phong bì. Nếu bị thiếu, ĐSQ sẽ gọi bạn để bổ sung cho đủ, các chị ở đấy rất nhiệt tình. Bạn nên nộp hồ sơ cho trường nữa để họ cấp admission sớm sẽ có lợi hơn.
Phỏng vấn BTC: Khó nhất trong số các HB mình đã phỏng vấn. Nếu plan của bạn không rõ ràng sẽ bị hỏi rất nhiều! Hay tìm hiểu đất nước Bỉ trước, thuộc tên 1 số môn học trong khóa học bạn chọn, vì sao bạn thích môn đó… Mình bị quay khoảng 30-40 ph. Trong đó nêu rõ cụ thể sẽ làm gì để thực hiện 1 plan “too ambitious” đấy. Tại lúc viết motivation cũng hơi “nổ”! Trong thread” Học bổng song phương Việt Bỉ 2012-2013, các anh/chị đi trước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bạn nên tham khảo ở đó!
Khi nào có thông báo official list rồi, bạn chờ admission nữa là OK. Nếu có vào reserve List hãy tiếp tục hi vọng, vì năm nào cũng có vài RL được lên OL!
Giá trị học bổng tương đương CUD, nhưng có những khóa dài 2 năm. Còn CUD thì chỉ khoảng 10 tháng thôi.
d) Học bổng AAS: Cái này mình chỉ được RL thôi nên không dám bình luận nhiều. Nói chung là học bổng nổi tiếng nhưng sẽ dành cho người “cần”. Dù bạn giỏi vẫn có thể trượt AAS nhé! Học bổng còn phụ thuộc vào vùng/ngành nữa. Cơ quan mình mỗi năm được gọi đi PV 1 người. Hồ sơ của mình so với năm 2013 khi bị trượt không có gì thêm nhưng mình đã vào đến RL vì: 1, viết supporting ideas tốt hơn hẳn; 2, tự thêm mục achievement vào CV. Mục này ko có đối với Master by coursework, nhưng ko nêu vào thì ai biết mình có bao nhiêu công trình/bài báo! Năm nay ngành học của mình ko được tài trợ, AAS gọi điện khuyên mình nộp lại ngành khác, nhưng mình ko chịu vì lúc đó mình cũng có KQ của DAAD rồi. Tưởng là tạch, hóa ra họ lại vẫn gọi đi phỏng vấn!
Phỏng vấn: Mình thấy dễ hơn BTC. Bác Graham bảo “good application” và “clear plan” no more question” .. nên chẳng hỏi mấy, khoảng 15ph thôi. Trong facebook của hội AAS năm nay mọi người cũng chia sẻ kỹ lắm rồi.
Dù sao cái tội không chịu đổi ngành học mà vẫn dc RL thế này, mình thấy khá hài lòng. Các bạn yêu thích AAS cố gắng chọn đúng ngành trong list của họ nhé!
Giá trị học bổng: Nghe nói cũng nhiều lắm nhưng chi phí ở Úc cũng khá cao.
e) Học bổng NFP (Hà Lan): Cái này phải thực hiện trong khoảng tháng 9-12 hàng năm. Bạn phải chọn khóa/trường có liên kết với NFP nhé. Chú ý “yêu cầu IELTS ko có điểm dưới 6.0” Sau đó gửi hồ sơ cho trường, khoảng 1 tuần đến nới. Chờ 1 tháng sẽ có admission. Sau đó chờ SOL là web online sẽ mở khoảng vài tuần trước deadline vào cuối tháng 1. Nộp online cho NFP trong ĐK đã có admission. Có mấy supporting idea, cố gắng trả lời thật tốt nhé! Mình bị gấp quá, do không tính đến khoảng thời gian chờ admission! Thế là chỉ còn 1-2 ngày là đóng SOL. Vì thế chuẩn bị sơ sài lắm. Bạn có thể liên hệ anh Quang Ánh là đại diện NFP ở VN. Anh này siêu nice và nhiệt tình, ảnh sợ mình trễ deadline còn trực tiếp gọi điện tư vấn cho nhanh nữa. Email của anh ở trên web nhé. Học bổng này mình chỉ nhận đc admission thôi chứ apply cho NFP thì không thành công!
Vậy thôi, cảm ơn các bạn đã đọc chủ đề. Hi vọng sẽ trả lời được 1 số thắc mắc của các bạn về các học bổng trên! Chúc các bạn thành công và tiếp tục đồng hành với TTVNOL! Nếu các bạn đang tìm hiểu học bổng nào thì nt vào box cho mình nhé! Mình ko có ý định câu like gì đâu nhưng mình cũng mong là chủ đề sẽ không bị mất hút quá nhanh!
Tác giả bài viết: daibangbien
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.